Lý giải nguyên nhân 4 trẻ ở Bắc Giang bị sốc phản vệ sau tiêm văcxin COVID-19

Hiện sức khỏe 2 trẻ điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai đã qua cơn nguy kịch, 2 trẻ ở Bắc Giang đã hồi phục. Nguyên nhân các cháu bị sốc phản vệ chủ yếu là do cơ địa.

Như thông tin đã đưa, ngày 24/11, Bắc Giang tổ chức tiêm phòng văcxin COVID-19 cho học sinh cấp 3 tại Trường THPT Nội trú Sơn Động và Trường THPT Sơn Động số 2 với khoảng 700 học sinh.

Trong quá trình tiêm phòng, cơ quan chức năng ghi nhận có 4 học sinh tại 2 trường bị sốc phản vệ, trong đó có 2 em: choáng váng, khó thở, đau tức ngực, buồn nôn đã được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

bac-giang.jpg
Lý giải nguyên nhân 4 trẻ Bắc Giang bị sốc phản vệ sau tiêm vắc xin COVID-19

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang cho biết, đến tối 26/11, 2 trong 4 cháu bị sốc phản vệ khi tiêm văcxin tại huyện Sơn Động đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đã qua cơn nguy kịch. 2 cháu còn lại được điều trị tại Bắc Giang, đã hồi phục, nhưng cơ quan y tế vẫn cho ở lại viện để theo dõi.

Nguyên nhân các cháu bị sốc phản vệ chủ yếu là do cơ địa. Tỷ lệ sốc văcxin rất thấp vì toàn tỉnh đã tiêm gần xong mũi 1 cho học sinh từ 15-18 tuổi, hầu như không có sự cố.

Phản ứng phản vệ biểu hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, diễn biến nhanh. Trẻ có thể có triệu chứng trên da như nổi mề đay, ngứa, sưng đỏ, sưng môi, mặt, cổ, họng hoặc biểu hiện về hô hấp như nghẹt mũi, thay đổi giọng nói, cảm giác cổ họng bị nghẹn, nói và nuốt khó, thở khò khè, ho nhiều...

Do đó, trẻ cần được theo dõi sát sau khi tiêm 30 phút và trong vòng 28 ngày sau tiêm.

Theo thống kê đến chiều tối 26/11, toàn tỉnh Bắc Giang tiêm được được 61.460 liều (đạt tỷ lệ 93,97% tiêm mũi 1) cho trẻ 15 đến dưới 18 tuổi.

Tỉnh Bắc Giang phấn đấu 100% trẻ từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm văcxin phòng COVID-19; trên 95% trẻ từ đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm 2 mũi.

Theo Đời sống
back to top