ThS.BS Nguyễn Văn Ninh, Khoa tai mũi Họng Bệnh viện Việt Nam - Cuba cho biết, khi gặp chảy máu mũi thì nguyên tắc đầu tiên là phải dùng mọi biện pháp để cầm máu, sau đó mới đi tìm nguyên nhân, tránh để tình trạng chảy máu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Cách thực hiện cầm máu như sau:
- Dùng ngón tay cái và ngón trỏ ép chặt 2 cánh mũi 2 bên trong 7-10 phút ( chú ý người hướng ra trước, đầu cúi một chút)
- Không nằm hoặc ngửa người ra sau ( do ở tư thế đó máu không chảy ra trước, ra ngoài mũi mà chảy ra sau và xuống họng, dạ dầy, gây nôn ra máu lẫn dịch, gây choáng ngất).
- Nếu có thuốc nhỏ co mạch ( Otilin, Otrivin, ….) nhỏ vào bên mũi chảy máu 3 giọt, sau đó bóp chặt cánh mũi bên chảy từ 5- 10 phút.
- Có thể nhỏ thuốc co mạch thấm bông, sau đó đặt vào bên mũi chảy máu. Chú ý, sau đặt phải rút bông trong vòng 24 giờ, tránh để quên, gây viêm mũi xoang.
Với các trường hợp chảy máu nặng phải cho bệnh nhân đến bệnh viện, phòng khám Tai mũi họng ngay.
Và sau đó tất cả các trường hợp chảy máu đều cần đi khám để nội soi, tìm và điều trị nguyên nhân gây chảy máu mũi.
Thạc sĩ Đào Trọng Tuấn, Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cảnh báo, chảy máu mũi là cấp cứu hay gặp nhất trong chuyên ngành tai mũi họng. Chảy máu mũi là triệu chứng của 1 bệnh hay nhiều bệnh kết hợp, hay gặp nhất là chảy máu mũi do tăng huyết áp. Các nguyên nhân gây chảy máu mũi gồm:
Toàn thân
- Bệnh lý tim mạch: Tăng huyết áp, dị dạng mạch máu…
- Bệnh lý về máu: Suy tủy, rối loạn chức năng đông cầm máu, suy tủy…
- Bệnh lý mạn tính: Xơ gan, suy thận.
- Do dùng thuốc: Thuốc chống đông máu, dùng corticoid kéo dài.
- Nguyên nhân khác: Suy giảm miễn dịch, ngộ độc, các bệnh lý di truyền.
Tại chỗ
- Viêm nhiễm: Viêm mũi xoang cấp, viêm mũi xoang dị ứng đợt bội nhiễm…
- Chấn thương: Ngoáy mũi, va đập, tai nạn, sau phẫu thuật mũi xoang…
- Do khối U: U mao mạch, u hốc mũi, ung thư vòm mũi họng, ung thư sàng hàm…
- Do dị vật: Thường gặp ở trẻ em, để lâu dẫn đến viêm loét hoại tử…
- Giải phẫu bất thường: dị dạng mạch máu, phình mạch…
- Nhiễm độc: Hít phải các hóa chất độc hại như acid, kim loại nặng…
Chảy máu mũi vô căn: Không do các nguyên nhân kể trên.