Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp và ban, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận người bệnh có đủ điều kiện ra viện, chuyển viện, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, không thuộc đối tượng F0 được chuyển về theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc tiếp tục chăm sóc y tế tại các bệnh viện của địa phương.
Đồng ý với đề nghị của bệnh viện cho phép các nhân viên y tế đang làm việc tại tòa nhà B5 chủ động về theo dõi sức khoẻ tại nhà trong vòng 7 ngày (các nhân viên y tế làm việc tại tòa nhà B5 đều được trang bị phòng hộ ngay từ khi có ca nhiễm, kết quả xét nghiệm ít nhất 6 lần âm tính, đã tiêm đủ 2 mũi văcxin).
Đồng thời yêu cầu bệnh viện tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch như trong bản báo cáo và kế hoạch, bám sát các nội dung trong Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh an toàn.
Hiện tại trong bệnh viện còn 334 người bệnh, 242 người nhà, 38 người đến khám bệnh, 1045 nhân viên bệnh viện, 425 đối tượng khác (bác sĩ nội trú, học viên, nhân viên vệ sinh, kỹ thuật hãng…), tổng cộng 2084 người.
Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế với các chuyên gia đầu ngành do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm Tổ trưởng dẫn đầu đã đến làm việc, đánh giá tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch của Bệnh viện Việt Đức.
Đoàn công tác đề nghị Bệnh viện Việt Đức lập kế hoạch thông báo hết dịch và kế hoạch đón người bệnh theo phương án “Bệnh viện hoạt động tách đôi”, có vùng đệm, vùng sạch. Khử khuẩn lại các khu vực trong bệnh viện để trước khi quay trở lại làm việc ngày tiếp nhận người bệnh mới.