Bé 5 tuổi tử vong vì bệnh dại do chó thả rông cắn

Bị chó cắn nhưng gia đình không đưa đi điều trị, tự sơ cứu bằng cách đắp bột ngọt và ớt bột vào vết thương. Sau 1 tháng bé phát bệnh mới đưa tới bệnh viện thì tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Trị, khoảng 1 tháng trước, bé R. 5 tuổi (thôn Khe Ngài, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị bị chó thả rông cắn ở cổ tay (vết thương độ II).

Gia đình đã không đưa bé đi viện, tự sơ cứu bằng cách nặn vết thương và đắp bột ngọt và ớt bột vào vị trí vết thương.

Đến ngày 8/11, bé R khởi phát bệnh và được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Đakrông để điều trị, sau đó được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh và tử vong ngày 15/11.

Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, với con đường lây truyền từ động vật sang người và tỷ lệ tử vong là 100%, bệnh dại rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

Đến nay, chưa có loại thuốc đặc hiệu nào chữa được bệnh dại lên cơn. Biện pháp hữu hiệu là thực hiện kiểm soát và dự phòng loại trừ bệnh dại ở động vật và con người, cụ thể là triển khai quản lý vật nuôi, tiêm văcxin phòng ngừa.

Ở nước ta, chó nhà nuôi là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (khoảng 95-97%), tiếp đến là mèo.

Các chuyên gia y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư khuyến cáo, khi đã bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn...

Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại tán phát càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để tiêm văcxin. Nếu đúng bị chó dại cắn, người bệnh không được tiêm văcxin sẽ phát bệnh dại và có diễn biến bệnh theo 2 thời kỳ.

Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30-90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường từ 2-4 ngày. Trước đó, bệnh nhân bị đau nhức, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức...

Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn...

Ngày 23/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa có văn bản gửi UBND xã huyện, thành phố, thị xã đề nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh dại ở động vật.

Riêng tại xã Đakrông có tổng 840 con chó, nhưng chỉ có 150 con được tiêm phòng, trong lúc chó nuôi hoàn toàn thả rông, không rọ mõm và không có chuồng nuôi nhốt.

Theo Đời sống
back to top