Báo The Times dẫn nguồn tin chính phủ nắm rõ nội dung cuộc họp Nội các Anh diễn ra vào ngày 29/3 đăng tin: Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với các thành viên chính phủ, ông có ý định chuyển giao vũ khí "sát thương hơn" cho Ukraine để chống lại quân đội Nga.
Theo ấn phẩm này, các tổ hợp pháo tự hành AS-90, dù đã lão hóa, nhưng chuyển giao vũ khí này cho Kiev sẽ đánh dấu sự chuyển đổi sang một "giai đoạn mới" sự hỗ trợ của Anh đối với Ukraine.
Các chuyên gia và nhà khoa học chính trị quân sự cho rằng, nếu chuyển giao được thực hiện, London sẽ loại bỏ những vũ khí lỗi thời nhưng việc Kiev mua pháo tự hành AS-90 không có tác động đáng kể đến khả năng tác chiến của Lực lượng vũ trang Ukraine.
Pháo tự hành AS-90 © AP-Photo / Bozo Vukicevic
Tham mưu trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh, Đô đốc Tony Radakin cho rằng bản chất sự ủng hộ đối với phía Ukraine nên thay đổi, vì cuộc xung đột trở thành xu hướng chủ đạo của "những hoạt động quân sự truyền thống". Vương quốc Anh đang chuyển sang một 'giai đoạn mới' trong việc hỗ trợ Ukraine và chính phủ đang xem xét những trang thiết bị quân sự có thể cung cấp.
Thủ tướng Boris Johnson không nói rõ, London có thể chuyển giao cho Kiev những loại vũ khí nào. Nhưng một nguồn tin quân sự Anh nói với tờ The Times, quân đội Ukraine cần các khẩu đội pháo hạng nặng, tầm xa để tấn công quân Nga ở phía đông.
Theo công bố, Ukraine có thể được cung cấp Pháo tự hành AS-90, những hệ thống này đã khá cũ và quân đội Anh sẽ thay thế bằng những hệ thống mới.
The Times lưu ý, kỹ thuật này khó thành thạo nhanh và lực lượng pháo binh Ukraine phải trải trải qua các khóa huấn luyện cần thiết. Một số thành viên chính phủ Anh lo ngại rằng việc cung cấp thiết bị quân sự khiến xung đột leo lên vòng xoáy mới.
Đầu năm 2022, các phương tiện truyền thông Ukraine cho biết Anh đã cung cấp súng phóng lựu chống tăng NLAW. Ngày 24/3, văn phòng thủ tướng Johnson thông báo quyết định phân bổ 25 triệu bảng Anh cho Kiev viện trợ quân sự, như chuyển 6.000 tên lửa chống tăng và nổ phân mảnh cao.
AS-90 là pháo tự hành 155mm của Anh, do doanh nghiệp quốc phòng BAE Systems sản xuất từ năm 1992 đến 1995. Tổng cộng 179 khẩu được xuất xưởng. AS-90 được sử dụng rộng rãi năm 2003 trong cuộc xâm lược của Mỹ và đồng minh ở Iraq. Pháo được nâng cấp hệ thống ngắm bắn trong khoảng từ năm 2008 đến năm 2009.
Trả lời phỏng vấn RT, chuyên gia quân sự Viktor Litovkin lưu ý, giả thiết Anh chuyển giao các tổ hợp pháo tự hành AS-90 cho Ukraine thành công, điều đó cũng không làm bất kỳ thay đổi nào trên chiến trường Ukraine.
“Pháo tự hành của Anh, theo tiêu chuẩn của NATO, sử dụng đạn cỡ nòng 155 mm, Lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng pháo cỡ nòng 152 mm của Liên Xô. Điều này có nghĩa là Anh sẽ phải gửi một số lượng lớn đạn pháo tới Ukraine. Khối lượng hàng hóa quá lớn, quân đội Nga không thể không chú ý đến những hoạt động này.
Ông Viktor Litovkin nói thêm: Thực tế là chính quyền Anh muốn bán vũ khí cũ cho Ukraine. Theo đó, “vũ khí cũ phải được thanh lý để giải phóng không gian và cơ sở hạ tầng cho vũ khí mới. Để xử lý vũ khí cũ, cần có các doanh nghiệp đặc biệt và chi phí, v.v. Anh đơn giản là gửi mọi thứ cho Ukraine, quân đội Nga sẽ xử lý miễn phí. Nga không chiếm Ukraina. Do đó chính quyền Kiev phải trả tiền, các nhà kho trống rỗng và Anh có thể sản xuất vũ khí mới bằng nguồn chi phí từ Ukraina sau này”.
Nga nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây ngừng bơm vũ khí cho Ukraine. Moscow khẳng định điều này sẽ không củng cố năng lực tác chiến của các lực lượng vũ trang Ukraina mà chỉ dẫn đến những nạn nhân mới.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 12/3 cho biết, các đoàn xe vận tải vũ khí phương Tây, các nhà kho lưu giữ vũ khí ở Ukraine là mục tiêu hợp pháp của Lực lượng vũ trang Nga.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, gọi hành động của phương Tây về việc cung cấp vũ khí sát thương cho chế độ Kiev là vô trách nhiệm, sẽ khiến hạ tầng xã hội bị phá hủy lớn hơn và nhiều quân nhân Ukraina thiệt mạng hơn.
“Chúng tôi coi lập trường của phương Tây là vô trách nhiệm, nơi cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Sự phân bổ không kiểm soát của nó đối với dân cư và lính đánh thuê chỉ làm trầm trọng thêm tình hình và trong tương lai có thể tạo ra mối đe dọa cho chính người dân châu Âu” - người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Alexander Mikhailov, người đứng đầu Cục Phân tích Chính trị-Quân sự, trong một cuộc phỏng vấn với RT nói, Nga đã vạch ranh giới đỏ khá rõ ràng cho phương Tây về vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine.
“Không hoàn toàn rõ ràng Anh sẽ thực hiện thế nào trong thực tế. Các cụm binh lực Ukraina đang bị bao vây ở phía đông sẽ không nhận được những vũ khí này. Chuyển giao pháo tự hành cho miền Tây Ukraine không giải quyết bất kỳ nhiệm vụ quân sự nào. Đây đơn thuần chỉ là PR chính trị. Nhưng nếu vũ khí này lọt vào vùng chiến sự, thì quân đội Nga sẽ hóa giải mối đe dọa này bằng tên lửa và không quân”.
Động thái của nội các của Johnson không chỉ phá hoại mối quan hệ Nga- Anh, vốn đã rất xấu, mà còn gây tổn thất nặng nề hơn với quân đội Ukraina.