5 biến chứng nặng ở trẻ mắc Covid

Theo báo cáo mới đây của Bộ Y tế, trong số ca Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam, nhóm 0-2 tuổi chiếm tỷ lệ 2,5%; nhóm 3-12 tuổi là 8,9%; nhóm 13-17 tuổi là 5,7%. Tỷ lệ tử vong ở nhóm 0-2 tuổi là 0,19%; 3-12 tuổi là 0,06%; nhóm 13-17 tuổi là 0,09%.
covid.jpg

40% trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng trung bình, 4% trở nặng, 0,5% nguy kịch, số còn lại là không triệu chứng hoặc nhẹ. 5 biến chứng nặng thường gặp ở trẻ, gồm:

Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS): Trẻ có các triệu chứng hô hấp mới hoặc xấu đi trong vòng một tuần kể từ khi có các triệu chứng lâm sàng. Chụp X-quang, CT phổi hoặc siêu âm phổi có hình ảnh mờ hai phế trường mà không phải do tràn dịch màng phổi, xẹp thùy phổi hoặc các nốt ở phổi.

Bão cytokin là nguyên nhân quan trọng làm nặng hơn tình trạng hô hấp, suy đa tạng. Các bác sĩ sẽ nghĩ đến bão cytokin khi người bệnh có biểu hiện suy hô hấp diễn biến nhanh, SpO2 dưới 93%, X-quang, CT scan phổi tổn thương mờ lan tỏa, tình trạng đông đặc phổi tiến triển nhanh.

Nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng: Các dấu hiệu gồm trẻ thay đổi thân nhiệt hoặc số lượng bạch cầu bất thường. Khi sốc nhiễm trùng, trẻ hạ huyết áp, thay đổi ý thức, nhịp tim bất thường...

Tổn thương thận cấp là biến chứng nặng ở trẻ mắc Covid-19, thường gặp ở bệnh nhi điều trị tại ICU. Tỷ lệ biến chứng này khoảng 15-30% trường hợp nặng.

Hội chứng viêm hệ thống đa cơ quan: Trẻ sốt trên 3 ngày, xuất hiện các ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân. Trẻ có thể hạ huyết áp hoặc sốc, suy giảm chức năng tim, tổn thương màng tim, viêm màng ngoài tim, bất thường mạch vành, rối loạn đông máu, rối loạn tiêu hóa cấp tính...

Trẻ đẻ non, nhẹ cân hay béo phì, thừa cân... khi mắc Covid-19 dễ chuyển nặng, theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ của Bộ Y tế.

Các yếu tố khác gồm: Đái tháo đường, bệnh lý gene và rối loạn chuyển hóa; bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản; ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi...); bệnh thận mạn tính; ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp); bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần).

Ngoài ra, trẻ có bệnh nền hồng cầu hình liềm, thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; bệnh gan; đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch khác; các bệnh hệ thống... cũng dễ chuyển nặng.

Theo Đời sống
back to top