Tại căn cứ không quân Hmeimim, Nga đã xây dựng thêm đường băng thứ hai mới dài hơn, bề mặt cả hai đường băng được thay mới hoàn toàn, lắp đặt thiết bị chiếu sáng và các thiết bị thông tin radio mới.
“Đây là lần đầu tiên các máy bay ném bom chiến lược có thể hạ cánh tại sân bay Hmeimim. Các phi hành đoàn máy bay ném bom tầm xa sẽ có được những kỹ năng chiến đấu mơi khi thực hành các nhiệm vụ huấn luyện trên các khu vực địa lý mới trong các chuyến bay trên vùng trời Địa Trung Hải” - tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Theo giải thích của Bộ Quốc phòng Nga, sau khi hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện phát triển không phận trên không phận biển Địa Trung Hải, máy bay chiến đấu sẽ quay trở lại các sân bay thường trực ở Nga.
Sân bay Hmeimim đã được nâng cấp, thay thế hoàn toàn lớp sơn phủ và lắp đặt các thiết bị phát thanh và tín hiệu ánh sáng mới. Chiều dài của đường băng tăng lên, khả năng tiếp nhận và bảo trì, bảo dưỡng các loại máy bay của sân bay cũng được mở rộng.
Gần đây, ba máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3 hiện đại hóa sâu đã lần đầu tiên hạ cánh xuống Hmeimim. Các máy bay đến căn cứ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện mở rộng không phận chiến đấu, sau đó lại quay trở về căn cứ thường trú tại Nga.
Đến thời điểm này, các loại máy bay chiến đấu của Không quân và Không quân Hải quân đều có thể cất hạ cánh từ sân bay Hmeimim. Căn cứ đã trở thành căn cứ không quân chiến lược tiền phương của quân đội Nga ở Trung Đông.
Hiện tại, Nga đang đẩy mạnh hiện đại hóa các máy bay chiến đấu Tu-22M3, tăng cường thêm các tên lửa siêu thanh để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất. Bằng giải pháp này, Nga không những có thể giải quyết được vấn đề an ninh trên khu vực Địa Trung Hải mà còn có thể tạo sức mạnh răn đe chiến thuật ở Trung Đông.
Phục vụ cho mục đích chiến lược khu vực, theo các quan chức quân sự, Nga tiếp tục mở rộng căn cứ hải quân tại cảng Tartus của Syria, có kế hoạch xây dựng một ụ nổi để tăng cường khả năng sửa chữa bảo dưỡng các chiến hạm của Hải quân, tăng cường thời gian hoạt động của các chiến hạm Nga trên vùng nước Địa Trung Hải. Hãng thông tấn TASS cho biết, ụ nổi dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Theo các quan chức quân sự phương Tây, việc nâng cấp các cơ sở sửa chữa, bảo trì kỹ thuật tại căn cứ Tartus sẽ cho phép hải quân Nga không phải đưa các chiến hạm về các cơ sở hải quân ở Biển Đen để bảo trì.
Cơ sở hải quân của Nga ở Tartus được coi là Trung tâm hỗ trợ hậu cần - kỹ thuật Hải quân chứ không phải là một căn cứ quân sự. Nhưng những nâng cấp mới có thể cho phép các chiến hạm lớn, các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo cập bến để duy tu bảo dưỡng, đảm bảo thời gian trực chiến lâu dài trên các vùng nước chiến lược như Địa Trung Hải.
Căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeimim thuộc tỉnh Latakia đã trở thành trung tâm chiến lược quân sự của Nga ở nước ngoài. Bên cạnh nhiệm vụ yểm trợ cho quân đội Syria trong các nhiệm vụ chống khủng bố, các căn cứ này còn tạo thành điểm tựa cho các quốc gia đồng minh và đối tác, cân bằng lực lượng với Mỹ và NATO.