Nga cảnh báo triển khai tên lửa hạt nhân trên vùng lãnh thổ châu Âu của đất nước

Nga có thể sẽ triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung trên vùng lãnh thổ của mình ở châu Âu, để đáp trả kế hoạch của NATO tăng cường hiện diện vũ khí hạt nhân trên lục địa này.

Ngày 13/12, trong cuộc phỏng vấn với RIA Novosti, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov nhấn mạnh, nếu các quốc gia phương Tây từ chối ký lệnh cấm các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ở châu Âu, Nga sẽ buộc phải triển khai vũ khí tương tự trên phần lãnh thổ châu Âu.

Moscow đã đề xuất thỏa thuận này như một phần của gói các biện pháp nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng, đang diễn ra ở Ukraine.

Ông Ryabkov nói: “Việc không có tiến triển trong định hướng một giải pháp chính trị - ngoại giao cho vấn đề này sẽ khiến phản ứng đáp trả của chúng ta là quân sự. Đó là một cuộc đối đầu và vòng tiếp theo, chúng ta sẽ triển khai các vũ khí tương đương".

Vũ khí hạt nhân tầm trung đã bị cấm ở châu Âu vào năm 1987, như một phần trong hiệp ước được ký kết giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev.

Năm 2019, Mỹ rút khỏi thỏa thuận, cáo buộc Điện Kremlin vi phạm các điều khoản, triển khai tên lửa hành trình 9M729 (SSC-X-8) - được NATO gọi là “‘Screwdriver” (Tuốc nơ vít) trên lãnh thổ châu Âu của Nga phía tây dãy núi Ural. Moscow bác bỏ những cáo buộc này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi đối thoại khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2019, phát biểu: “Chúng tôi nhiều lần cảnh báo, việc chấm dứt hiệp ước về tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), có nghĩa là châu Âu hiện đang đối mặt với khả năng những vũ khí tấn công này xuất hiện trên khắp không gian chiến trường, kết quả là một cuộc chạy đua vũ trang mới”.

Nga thúc giục gia hạn lệnh cấm của INF và nhấn mạnh, Điện Kremlin hoàn toàn không tin tưởng vào những lời hứa của NATO, liên quan đến việc tích trữ vũ khí ở châu Âu trừ khi có những văn bản tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ông Ryabkov nói rõ: “Việc NATO thường xuyên đảm bảo rằng, không có kế hoạch triển khai các vũ khí hạt nhân như vậy không thuyết phục được nước Nga. Trước hết, về nguyên tắc, không có sự tin tưởng đối với liên minh NATO”.

Gerhard Mangott, chuyên gia về kiểm soát vũ khí của Áo, trả lời phỏng vấn với Reuters nhấn mạnh, nếu NATO tiếp tục từ chối đàm phán một thỏa thuận mới Nga chắc chắn sẽ triển khai “Screwdriver” trên vùng biên giới phía tây đất nước.

SSC-8 là tên lửa hành trình phóng từ mặt đất mang đầu đạn hạt nhân (GLCM) của Nga có tầm bắn 2.500 km. Nga đã đưa vào biên chế tên lửa này vào năm 2019, khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF 1987.

SSC-8 có chiều dài khoảng 6-8 m và đường kính 0,514 m. Tên lửa được thử nghiệm trên nhiều tầm bay khác nhau, Trung tâm Tình báo Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASIC) của Lực lượng Không quân Mỹ năm 2017 xác định, tầm bắn tối đa là 2.500 km.

Tên lửa do nhà sản xuất quốc phòng Nga NPO Novator phát triển. Hệ thống phóng di động “gần giống” với Iskander-M TEL (9P78-1) tuân thủ INF, làm phức tạp việc xác minh vũ khí trong tương lai.

Tháng 2/2017, các quan chức Mỹ thông báo, Nga đã tổ chức hai tiểu đoàn tên lửa SSC-8. Một đơn được triển khai tại bãi thử tên lửa Kapustin Yar phía Tây Nam nước Nga. Tiểu đoàn thứ hai tháng 12.2016 cơ động di chuyển từ Kapustin Yar đến một căn cứ không xác định.

Mỗi tiểu đoàn có bốn hệ thống phóng, mỗi hệ thống phóng có cơ số chiến đấu 6 tên lửa. Tính đến tháng 12 năm 2018, Nga đã sản xuất khoảng 100 tên lửa SSC-8.

Theo Đời sống - Tri thức cuộc sống
back to top