Như để thừa nhận sự thất bại rộng lớn hơn của cuộc chiến, ông Biden nhận xét: "mối đe dọa khủng bố" đang phát triển mạnh mẽ, hiện có mặt "ở nhiều nơi". Để giữ cho “hàng nghìn binh lính triển khai tập trung chỉ ở một quốc gia với chi phí hàng tỷ mỗi năm không có ý nghĩa gì đối với tôi và với các nhà lãnh đạo của chúng ta”.
Theo ông, sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan nên tập trung “vào lý do chúng ta đến đó ngay từ đầu: để đảm bảo Afghanistan sẽ không bị sử dụng làm căn cứ tấn công quê hương của chúng ta một lần nữa. Chúng ta đã làm điều đó. Chúng ta đã hoàn thành mục tiêu đó”. Biện minh cho tuyên bố này, ông nhắc lại mục đích ban đầu của Mỹ là "diệt trừ al Qaeda" năm 2001, và "ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố trong tương lai chống lại Mỹ được lên kế hoạch từ Afghanistan."
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu hỗ trợ trong việc rút quân. "Tôi ở đây", ông tuyên bố tại trụ sở NATO ở Bỉ: "để hợp tác chặt chẽ với các đồng minh của chúng ta, với tổng thư ký, theo nguyên tắc mà chúng ta đã thiết lập ngay từ đầu", "cùng nhau tham gia và cùng nhau kết thúc".
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price: Trong cuộc họp giữa Blinken và Abdullah Abdullah, chủ tịch Cao ủy Afghanistan về hòa giải quốc gia. Ngoại trưởng “nhắc lại cam kết của Mỹ đối với tiến trình hòa bình và khẳng định rằng sẽ sử dụng bộ công cụ ngoại giao, kinh tế và nhân đạo để hỗ trợ tương lai mà người dân Afghanistan mong muốn, bao gồm cả những lợi ích mà phụ nữ Afghanistan muốn có được”.
Sau tuyên bố của Tổng thống Joe Biden rằng Mỹ sẽ rút các lực lượng khỏi Afghanistan vào ngày 11/9, nhiều chính trị gia đã suy đoán lý do cho sự thay đổi đột ngột này sau gần 20 năm Mỹ hiển diện quân sự tại quốc gia này.
Theo các nhà phân tích, chính quyền Biden đang đẩy nhanh việc tái tập trung lực lượng chiến lược Mỹ ở Đông Á để chống Trung Quốc và Triều Tiên, việc rút quân khỏi Afghanistan và những động thái nhằm cải thiện mối quan hệ với Iran có thể là một phần trong tư duy chiến lược mới của Nhà Trắng.
Nền kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ vào năm 2014 về quy mô GDP được điều chỉnh theo PPP, chi tiêu của Bắc Kinh cho quân sự vượt Mỹ vào năm 2020 do một tỷ lệ ngân sách quân sự lớn của Mỹ cho chi phí hành chính, lợi ích của các cựu binh và duy tu bảo dưỡng cho trang thiết bị đã lỗi thời trên các khu vực chiến sự.
Những cơ sở công nghiệp quốc phòng nhà nước lớn của Trung Quốc đã khiến cho việc phát triển và sản xuất vũ khí trang bị hiệu quả hơn nhiều về chi phí. Do đó, việc triệt giảm ngân sách binh lực ở Afghanistan sẽ là một động thái đáng hoan nghênh, cho phép Lầu Năm Góc tập trung về Đông Á.
Một "quan chức cấp cao của chính quyền Biden" trích dẫn trên trang web chính thức của Nhà Trắng ngày 15/4 nhận xét: việc rút quân khỏi Afghanistan có ý nghĩa quan trọng trong một chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm chủ yếu vào Trung Quốc: "Một trong những lý do tại sao tổng thống và những quan chức trong bộ máy của ông thực hiện các động thái quan trọng về Afghanistan, chủ yếu để giành thời gian, sự quan tâm và nguồn lực từ giới lãnh đạo cấp cao và quân đội để tập trung vào những gì chúng ta tin là những thách thức cơ bản của thế kỷ 21, những thách thức này nằm cơ bản ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Một nguyên nhân khác, đó là nền kinh tế Mỹ vẫn đang suy giảm sau cuộc khủng hoảng vào năm 2020 và Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong quý đầu tiên của năm 2021, cũng là nền kinh tế lớn tăng trưởng vào năm 2020. Việc tái tập trung nguồn lực từ Afghanistan cần thiết để đảo ngược quỹ đạo quyền lực hiện nay, đang gây nguy hiểm cho sự duy trì quyền thống trị của Mỹ và phương Tây ở Đông Á.
Bản thân tương lai của Afghanistan rất không chắc chắn khi lực lượng Hồi giáo Taliban, tổ chức khủng bố IS và chính phủ Afghanistan hiện tại được phương Tây hậu thuẫn đều đang là đối thủ mạnh mẽ, quyết liệt tranh giành quyền lực ở quốc gia này.
Số phận của những người thiểu số Afghanistan như như Shiite Hazara cũng thực sự đáng lo ngại, những người này từng bị Taliban tấn công vì lý do giáo phái và dự kiến sẽ lại đối mặt với một viễn cảnh đàn áp khốc liệt nếu Taliban hoặc IS giành được quyền lực ở quốc gia này.
Sự rút quân của Mỹ sẽ khiến tình hình Afghanistan trở lên đáng lo ngại cho một viễn cảnh một quốc gia Hồi giáo khắc nghiệt. Nhưng năm Taliban kiểm soát Afghanistan đã biến quốc gia này thành thánh địa của khủng bố và khi Mỹ rút quân, thực tế đó sẽ trở lại.