G7 cảnh báo Nga về 'hậu quả to lớn' nếu tấn công Ukraine

G7 đưa ra cảnh báo trong một tuyên bố chung ngày hôm qua: Nga phải đối mặt với hậu quả lớn nếu Tổng thống Vladimir Putin quyết định tấn công Ukraine.

G7 cáo buộc Nga gây hấn quân sự với Ukraine

Tình báo Mỹ đánh giá Nga có thể đang lên kế hoạch tấn công nhiều mặt trận vào Ukraine sớm nhất là trong năm 2022 với sự tham gia của 175.000 quân.

Kremlin phủ nhận các cáo buộc và cho rằng phương Tây bị mắc chứng sợ hãi Nga. Moscow nói rằng sự mở rộng của NATO đe dọa Nga và trái ngược với những đảm bảo được đưa ra khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

Tại một cuộc họp ở thành phố Liverpool, miền bắc nước Anh, các đại biểu G7 đã thống nhất lên án việc Nga xây dựng quân đội gần Ukraine và kêu gọi Moscow giảm leo thang.

Tuyên bố từ các ngoại trưởng G7 cho hay: "Nga nên hiểu rõ rằng các động thái gây hấn quân sự gia tăng nhằm vào Ukraine sẽ dẫn đến những hậu quả lớn và cái giá rất đắt".

"Chúng tôi tái khẳng định cam kết kiên định của mình đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như quyền của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào được xác định tương lai của chính mình."

Một tuyên bố do Đại sứ quán Nga tại London đưa ra vào tối thứ Bảy, trước khi văn kiện chung của G7 được công bố , nói rằng việc Anh thường xuyên sử dụng cụm từ "sự gây hấn của Nga" trong cuộc họp Liverpool là nguyên nhân gây hiểu lầm thiết kế để tạo ra lý do cho sự tập hợp của các nước G7.

"Nga đã đưa ra nhiều lời đề nghị với NATO về các cách giảm căng thẳng. Diễn đàn G7 có thể là cơ hội để thảo luận về chúng, nhưng cho đến nay chúng tôi không nghe thấy gì ngoài những khẩu hiệu gây hấn", Đại sứ quán Nga nhấn mạnh.

“Lằn ranh đỏ”

Đối với Nga, sự gia tăng sự ảnh hưởng của NATO tại một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ - và điều mà NATO coi là khả năng gây ác mộng của các tên lửa thuộc liên minh này ở Ukraine nhằm vào Nga - là một "lằn ranh đỏ" mà họ sẽ không được phép vượt qua.

Putin đã yêu cầu đảm bảo an ninh, ràng buộc về mặt pháp lý rằng NATO sẽ không mở rộng thêm về phía đông hoặc đặt vũ khí gần lãnh thổ Nga; trong khi đó Washington đã nhiều lần tuyên bố không quốc gia nào có thể phủ quyết các hy vọng của NATO.

Quan hệ Nga - Ukraine xấu đi từ năm 2014 khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở vùng Donbass. Quân đội Ukraine giao tranh với lực lượng ly khai ở hai tỉnh miền đông Donetsk và Lugansk từ năm 2014, khiến hơn 13.000 người ở cả hai phía thiệt mạng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày cho hay ông đã nói rõ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại hội nghị trực tuyến hôm 7/12 rằng Nga sẽ phải trả "một cái giá khủng khiếp" và đối mặt hậu quả kinh tế tàn khốc nếu tấn công nước láng giềng Ukraine. Theo ông, vị thế của Nga trên thế giới sẽ thay đổi "rõ rệt" trong trường hợp một cuộc tấn công xảy ra.

Căng thẳng Nga và các nước phương Tây về vấn đề Ukraine đang leo thang. Ukraine cùng Mỹ và các đồng minh nhiều tuần qua cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân dọc biên giới và lên kế hoạch tấn công Ukraine.

Nga mô tả cáo buộc của phương Tây là "cuồng loạn" và nói rằng Mỹ cùng các đồng minh đang có hành động khiêu khích, đặc biệt với các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đen. Moskva khẳng định mọi động thái quân sự của họ ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.

Theo Theo Reuters
back to top