Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Graham và thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Van Hollen có được sự đồng thuận về các lệnh trừng phạt mới nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Ankara tiến hành cuộc tấn công quân sự trên vùng đông bắc Syria, nhằm vào Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do dân quân người Kurd là nòng cốt.
Ông Graham tuyên bố: “Trong khi chính quyền Trump từ chối mọi hành động chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, tôi mong đợi sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng. Hầu hết các thành viên của Quốc hội tin rằng, đây sai lầm lớn khi bỏ rơi người Kurd, đồng minh chủ chốt tiêu diệt IS của Mỹ”.
Graham cho biết, ông tin rằng Tổng thống Trump đang phạm sai lầm lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống bằng cách ra lệnh rút quân khỏi khu vực.
Ông Graham Graham nói: “Đây là điều tồi tệ hơn hẳn so với việc ông Obama rút quân khỏi Iraq, vì chúng ta có quá nhiều bài học về những gì sẽ xảy ra. Điều này sẽ làm thay đổi cuộc chơi đối với an ninh quốc gia của chúng ta và mở đường cho sự phục sinh của IS.
Hai thượng nghị sĩ tuyên bố đang nghiên cứu về các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được coi là phản ứng của các nhà lập pháp sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh rút quân Mỹ ra khỏi miền Bắc Syria, trước khi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện kế hoạch tiến công vào Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Dự luật mới sẽ được đưa ra vào tuần tới, do Quốc hội Mỹ đã họp trong tuần qua.
Dự luật trừng phạt được trình bày ngay khi Quốc hội bắt đầu họp. Các nhà lập pháp Mỹ sẽ yêu cầu bỏ phiếu ngay để gửi thông điệp rõ ràng tới Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là động thái cứng rắn yêu cầu Ankara phải chấm dứt và hủy bỏ hành động quân sự của mình, rút các nhóm Hồi giáo cực đoan khỏi những khu vực đang tấn công và ngăn chặn thương vong dân thường - Thượng nghị sĩ Van Hollen nói.
Những điều khoản được đưa ra rất điển hình trong các lệnh trừng phạt Mỹ, chủ yếu nhắm vào tất cả những tài sản thuộc sở hữu của bộ máy lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong phạm vi quyền tài phán của Luật pháp Mỹ. Danh sách những cá nhân bị trừng phạt này bao gồm cả tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Dự luật cũng sẽ tấn công vào ngành năng lượng và quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó có các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ người nước ngoài nào bán hoặc cung cấp, hỗ trợ tài chính, vật chất hoặc công nghệ, cố tình thực hiện các giao dịch với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Dự luật áp đặt lệnh cấm bán các sản phẩm quân sự Mỹ cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và hạn chế quyền các nhà lãnh đạo Ankara đến Mỹ.
Các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực cho đến khi chính quyền ông Trump chính thức xác nhận với các nhà lập pháp Mỹ rằng, Ankara đã rút lực lượng quân sự khỏi Syria.
Ngày 09.10.2019, Tổng thống Donald Trump ra lệnh cho chính quyền và quân đội Mỹ không can thiệp vào các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố sẽ ủng hộ nhiều biện pháp trừng phạt kinh kế quốc gia này.
Tổng thống Donald Trump trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng, rằng ông đồng ý với các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, ông Trump cho rằng tình huống hiện tại là "khó khăn hơn nhiều so với các biện pháp trừng phạt".
Ông Trump đưa ra một tuyên bố khó hiểu, rằng người Kurd đã không giúp quân đội Mỹ trong Thế chiến 2 , do đó việc từ bỏ ủng hộ là hợp lý. Tuy nhiên, những quốc gia khác cũng không giúp đỡ Mỹ trong Thế chiến 2 còn bao gồm cả Ả rập Xê út và Israel, nhưng chính quyền Mỹ lại ủng hộ vô điều kiện đối với hai quốc gia này.
Ông Trump cũng đe dọa sẽ xóa sổ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu cuộc tấn công không được thực hiện một cách nhân đạo nhất có thể. Điều này thực sự gây sự khó hiểu khi ông nói:
“Nếu ông ta (Erdogan) làm điều đó một cách bất công, ông ta sẽ phải trả giá rất lớn trong lĩnh vực kinh tế” - ông Trump phát biểu với các phóng viên, nhấn mạnh rằng ông có thể làm nhiều hơn cả các biện pháp trừng phạt.
Điều thú vị của dự luật trừng phạt này là, lệnh sẽ được bãi bỏ nếu chính phủ Mỹ tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đã rút quân khỏi Syria. Theo mô hình Afrin, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sau khi chiếm được vùng đệm an ninh, sẽ rút quân đội và chỉ để lại vũ khí trang bị, lực lượng Hồi giáo “nổi dậy” và các cố vấn.
Khi đó các biện pháp trừng phạt sẽ bị bãi bỏ. Tuyên bố này cho thấy, Mỹ thực sự đã làm ngơ cho mọi hoạt động của Ankara và bỏ rơi người Kurd. Ước vọng một Quốc gia tự trị Kurdistan của lực lượng Chính trị Kurd nhờ sự giúp đỡ của Mỹ hoàn toàn sụp đổ.
Theo các thông tin ban đầu, Pháp, Đức và Anh sẽ đưa ra tuyên bố lên án cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria.
Bà Amalie de Montchalin (ngoại trưởng Châu Âu) nói, ủy ban đối ngoại của quốc hội Pháp, Pháp, Đức và Anh đang hoàn thiện một bản tuyên bố, khẳng định rõ ràng các quốc gia này lên án rất mạnh mẽ và quyết liệt cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào người Kurd ở Syria.
Bà Amalie de Montchalin cũng nói thêm, Liên minh châu Âu 29 nước hiện chưa có được một một tuyên bố chung thống nhất vì một số quốc gia đã không đồng thuận. Một nguồn tin nặc danh cho biết, Hungary không đồng thuận với tuyên bố này.
Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế các hoạt động của mình khi tiến hành cuộc tấn công vào lực lượng dân quân người Kurd ở Syria, cảnh báo rằng cuộc chiến chống lại IS không thể bị ngăn chặn.
Lực lượng SDF kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt vùng cấm bay trên vùng đông bắc Syria để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo sắp xảy ra. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, lực lượng bộ binh quốc gia này, phối hợp với các nhóm “nổi dậy” đang tiến sâu vào vùng biên giới đông bắc Syria.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng pháo binh và không quân để dọn đường cho chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình”, những cuộc tập kích hỏa lực đã khiến 15 thường dân thiệt mạng.