Chống say nước chè vào dịp Tết là điều mà nhiều người quan tâm bởi, không ít trường hợp sau khi uống thì bị say nước chè.
GS.TS Nguyễn Ngọc Kính, Hội Khoa học & Công nghệ Chè Việt Nam cho biết: Đúng là nhiều người sau khi uống chè, nhất là vào dịp Tết, đi chúc Tết đến nhà ai cũng được gia chủ mời uống nước chè, sau khi uống không ít người cảm thấy cồn cào, nôn nao trong người, hoa mắt, chóng mặt, cảm giác khó chịu, tim đập nhanh, chân tay bủn rủn… Người ta thường gọi hiện tượng này là “say nước chè”.
GS. TS Nguyễn Ngọc Kính giải thích: Nhiều người cho rằng, say chè là do uống nước quá nhiều nước chè. Thật ra không phải như vậy, ở nhiều vùng, nước chè pha loãng còn được uống thay nước lọc, dùng nước chè pha loãng làm nước giải khát.
Người bị say nước chè thường do uống vào lúc đói và đặc biệt là uống nước chè quá đặc. Nguyên nhân là do chè có chất tanin vốn là chất chát tạo ra hương vị chát đặc trưng của chè. Tuy nhiên, nếu chất chát này quá nhiều (nước chè đặc) lại có tác dụng là kích thích niêm mạc dạ dày. Đặc biệt, khi cơ thể đang đói, dạ dày trống rỗng, chất chát sẽ đi vào cơ thể làm lạnh tì, vị từ đó gây ra hiện tượng say nước chè.
Vì thế, để không bị say nước chè hãy nhớ không uống nước chè khi đói và không uống nước chè đặc. Vào dịp Tết, khi đến chúc Tết, được gia chủ mời uống chén chè, bạn đừng sợ say nước chè mà vội từ chối. Nếu đói bạn có thể ăn tạm chiếc bánh quy hoặc chiếc kẹo… để chống đói, sau đó hãy uống nước chè.
Khi uống không nên uống ừng ực theo kiểu giải khát mà chỉ nên uống nhấp môi hoặc nhâm nhi từng chút một. Uống cách này một phần là để thưởng thức hương vị và mùi thơm đặc trưng của chè, một phần giúp kiểm tra nước chè đặc hay loãng.
Chè đặc là do tanin nhiều, nước trà sẽ xanh ngắt, uống thấy chát (thậm chí là thấy đắng) ở đầu lưỡi. Nếu thấy chè đặc bạn chỉ nên nhấp môi để làm vừa lòng gia chủ mến khách vừa không phải uống nhiều. Một cách khác, bạn có thể “chêm” một chút nước nóng vào chén chè đặc để làm cho nước chè loãng ra uống không bị chát và lại không bị say.
Thu Hà