Acrylamide cũng có thể hình thành trong thực phẩm giàu tinh bột bao gồm bánh mì nướng cháy trong quá trình chế biến ở nhiệt độ cao. Nguyên nhân là do phản ứng hóa học giữa protein và đường, làm cho thực phẩm nấu chín có màu sẫm và mùi vị đặc biệt. Bánh mì nướng càng cháy thì càng chứa nhiều acrylamide.
Acrylamide trong chế độ ăn uống có liên quan đến một số tác động tiêu cực đến sức khỏe bao gồm cả ung thư. Vào năm 1994, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã phân loại acrylamide là chất có thể gây ung thư ở người.
Nhiều nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng tiêu thụ acrylamide với số lượng lớn có thể làm tăng sự phát triển của các khối u vú và tuyến giáp, góp phần gây ra ung thư nội mạc tử cung, ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên, các nghiên cứu về ảnh hưởng của acrylamide đối với sự phát triển ung thư ở người đưa ra các kết quả khác nhau.
Các nghiên cứu ở 4.000 người lớn tuổi ở Trung Quốc lại cho thấy tăng lượng acrylamide trong chế độ ăn uống có liên quan đến nguy cơ tử vong do ung thư cao hơn ở người lớn tuổi. Theo một phân tích bổ sung của 18 nghiên cứu của các nhà khoa học ở châu Âu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ, lượng acrylamide có thể liên quan đến nguy cơ ung thư buồng trứng và nội mạc tử cung cao hơn, đặc biệt là ở người không hút thuốc.
Theo tờ Healthline, nếu muốn giảm lượng acrylamide, có thể nướng bánh trong thời gian ngắn hơn cho đến khi nó có màu vàng nhạt. Với những thực phẩm chứa tinh bột khác, có thể cân nhắc giảm thời gian nấu hoặc chọn các phương pháp chế biến khác như luộc, hấp...