Khi uống chè, mọi người thường thấy có vị đắng ở cuống họng. Theo chuyên gia đừng sợ vị đắng trong chè.
Đắng là bình thường
PGS.TS Đỗ Văn Chương, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và Vệ sinh an toàn thực phẩm, trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp cho biết: Đúng là khi uống chè, nhất là với chè xanh, bạn sẽ cảm nhận thấy vị đắng của chè khi uống. Và mỗi loại chè lại có vị đắng khác nhau. Có chè chỉ có vị đắng nhẹ hơi se se, có chè vị đắng mạnh hơn. Đây là điều bình thường.
Chất đắng trong chè bắt nguồn từ hợp chất tanin. Hợp chất tanin (hay còn gọi là chất chát) đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng chè thành phẩm. Rất nhiều thuộc tính cơ bản và mang tính quyết định của chè như màu sắc của cánh chè, màu sắc nước pha, hương, vị đều liên quan đến hợp chất tanin có trong chè.
Điều đáng nói, hàm lượng tanin nhiều hay ít phụ thuộc vào giống chè, vị trí địa lý (độ cao so với mực nước biển), chế độ canh tác (như bón phân, tưới nước…), thời vụ thu hoạch, phẩm cấp nguyên liệu, quy trình chế biến… Có đôi khi ở cùng một địa phương, cùng một giống chè, nhưng chế độ canh tác khác nhau hàm lượng tanin cũng sẽ khác nhau.
Để điều chỉnh hàm lượng tanin ngoài việc chọn giống, chế độ canh tác, trong quá trình chế biến việc sử dụng các thiết bị chế biến phù hợp cũng như áp dụng các thông số kỹ thuật hợp lý như nhiệt độ, độ ẩm tương đối của không khí, độ ẩm của chè, thời gian chế biến…; người ta cũng có thể tạo ra sản phẩm có ngoại hình, màu nước pha, hương, vị đặc trưng theo mong muốn của từng nhà sản xuất, từng thương hiệu của họ.
“Đây chính là lý do vì sao, ở mỗi loại chè, chúng ta lại cảm nhận về vị đắng khác nhau, có loại chè đắng ít, loại chè đắng nhiều”, PGS.TS Đỗ Văn Chương giải thích
“Vị đắng này không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe cũng hoàn toàn không phải do ngâm tẩm hóa chất như nhiều người lo sợ. Tùy vào “gu” và thói quen thưởng thức của mỗi người để tự mình quyết định lựa chọn loại chè cho vị đắng nào hợp với khẩu vị của mình.
Cách đơn giản nhất, khi uống nếu cảm thấy không hợp với vị đắng (hay còn gọi là chát) của chè, bạn đổi sang loại chè mới. Mặt khác, tốt nhất nên mua sản phẩm chè có thương hiệu, có địa chỉ, có nguồn gốc rõ ràng”.
PGS.TS Đỗ Văn Chương: Bằng mắt thường thì không thể phân biệt được đâu là chè có hàm lượng tanin nhiều hay ít. Trong trường hợp bạn đã mua chè, nếu thấy vị đắng hơn mức bình thường mà bạn vẫn hay uống, bạn nên giảm lượng chè khi pha xuống, ví dụ thay vì pha 2 “nhúm” như mọi lần thì giảm xuống còn 1 “nhúm” hoặc ít hơn để chờ bớt đi vị đắng.
Đừng lo tẩm hóa chất
Theo PGS.TS Đỗ Văn Chương, nhiều người dân lo chè tẩm hóa chất, thật ra trong quá trình chế biến chè đúng cách, đúng kỹ thuật, nếu có thì chỉ thêm các chất tạo hương như hương sen, hương nhài, hương dâu… trong quá trình chế biến, chứ không có thêm chất gì.
Đối với chè, thay vì lo lắng chè bẩn, chè nhiễm hóa chất người dân nên chú ý đến việc uống nước chè sao cho đúng.
Đối với thưởng thức chè, ngoài dụng cụ pha, nước pha, lượng chè khi pha…, một điểm rất quan trọng là thời gian uống hợp lý.
Hầu hết mọi người đều biết, không nên uống nước chè khi đói, không nên uống trước khi đi ngủ nếu giấc ngủ của bạn nhạy cảm với chè, không nên uống nước chè quá đặc…; tuy nhiên, còn một cái bạn không nên khi uống đấy là không nên uống nước chè khi bạn ăn quá nhiều chất dinh dưỡng.
Ví dụ, khi bạn ăn thức ăn có quá nhiều chất đạm như thịt chó, hải sản, sữa… khi bạn uống nước chè, các chất tanin có trong chè kết hợp với chất đạm (protein) từ đó làm giảm chất lượng thực phẩm và có thể gây ra hiện tượng khó tiêu, đầy bụng khó chịu.
Sơn Hà