Quyết định này được đưa ra sau khi Australia cảnh báo về những mối đe dọa xung đột trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
“Ngày nay, các quốc gia một lần nữa nghe thấy tiếng trống trận và lo lắng quan sát quá trình quân sự hóa những vấn đề mà chúng ta, cho đến những năm gần đây, cho rằng không thể là chất xúc tác cho chiến tranh. Chúng ta hãy tiếp tục không ngừng tìm kiếm cơ hội hòa bình trong khi chuẩn bị một lần nữa… cuộc chiến tranh” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Australia Mike Pezzullo tuyên bố, trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc-Australia xấu đi rõ rệt, và căng thẳng khu vực gia tăng giữa Trung Quốc với Đài Loan.
Tàu sân bay Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh |
Cụm Hải quân tấn công tàu sân bay của Anh, bao gồm tàu Queen Elizabeth với 18 máy bay tàng hình F-35B, hai khu trục hạm, hai khinh hạm và hai tàu hậu cần kỹ thuật sẽ đi qua Biển Đông trên đường tới Đông Á. Theo tuyên bố của Hải quân Hoàng gia Anh ngày 26/4, hải đội sẽ dừng chân ở Ấn Độ và Singapore.
Tuyên bố của chính phủ Anh nhấn mạnh, hải đội sẽ có sự tham gia của các chiến hạm Mỹ, một khinh hạm Hà Lan, cùng thực hiện những cuộc diễn tập hải quân chung với Nhật Bản, Australia, Canada, New Zealand, Pháp, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Đan Mạch, Hy Lạp, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ấn Độ, Oman và Hàn Quốc.
Một tàu đổ bộ sân bay trực thăng của Pháp, hai cụm tàu sân bay hải quân Mỹ hiện cũng đang hoạt động trên vùng biển châu Á. Các chiến hạm này dự kiến sẽ tham gia các cuộc diễn tập chung với Nhật Bản từ ngày 11 đến ngày 17/5.
Anh, cũng như Mỹ và các đồng minh châu Âu, đang tăng cường quan hệ an ninh với các quốc gia Đông Á nhằm đối phó với căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông và biển Hoa Đông từ những tuyên bố ly khai của Đài Loan, chương trình bán vũ khí hiện đại cho Đài Bắc.
Ngày 23/4, Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc đưa vào biên chế khu trục hạm “Đại Liên”, tàu đổ bộ trực thăng “Hải Nam” và tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trường Chinh-18, sẽ thường trực chiến đấu trên Biển Đông.