Can dự ngày càng sâu, Mỹ có thể đưa pháo phản lực – tên lửa M270 (MLRS) và M142 (HIMARS) tới Ukraine

Ngày 26/5, CNN dẫn lời nhiều quan chức Nhà Trắng cho biết, đầu tuần tới, chính quyền Biden sẽ gia tăng cung cấp vũ khí cho Ukraine, chuyển giao các hệ thống pháo phản lực - tên lửa chiến thuật MLRS và HIMARS.

Hệ thống pháo phản lực tên lửa M270 (MLRS) và Hệ thống pháo phản lực - tên lửa cơ động cao M142 (HIMARS), 2 phiên bản của hệ thống pháo phản lực do Mỹ sản xuất, có thể phóng cùng lúc 6 rocket M26, M26A1, M30 có tầm bắn từ 32 km đến 70 km và 1 tên lửa đạn đạo MGM-140 ATACMS có tầm bắn đến 500 km.

Hệ thống pháo phản lực - tên lửa HIMARS Mỹ trong hoạt động chiến đấu. Video Lockheed Martin

Sự khác biệt chính là pháo phản lực M270 MLRS được lắp đặt trên xe thiết giáp bánh xích nặng hơn, mang 2 cơ số đạn rocket, M132 HIMARS được lắp trên xe tải bánh lốp, mang theo 1 cơ số đạn.

Các quan chức Ukraine liệt kê cả 2 hệ thống này trong số những vũ khí mà Kiev muốn Mỹ và các đồng minh cung cấp trong cuộc chiến chống quân đội Nga.

Quân đội Ukraine có nhiều tổ hợp pháo phản lực Grad và Uragan của Liên Xô trong kho vũ khí, nhưng khẳng định các hệ thống pháo phản lực Mỹ sẽ mang lại lợi thế trên chiến trường.

Theo nguồn tin của CNN, chính quyền Biden rất miễn cưỡng trong việc cung cấp các tổ hợp pháo phản lực - tên lửa này. Do lo ngại quân đội Ukraine có thể sử dụng các loại vũ khí này tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.

Quân đội Ukraine đã tiến hành một số cuộc tấn công bằng pháo binh và trực thăng vào lãnh thổ Nga trong vài tuần qua.

CNN trích dẫn nguồn tin nhấn mạnh, các quan chức ở Washington lo ngại Moscow coi việc chuyển giao MLRS và HIMARS (có khả năng bắn tên lửa đạn đạo chiến thuật) như là một hành động tuyên chiến gián tiếp. Đồng thời các hệ thống vũ khí sẽ phải rút ra từ kho dự trữ vốn có hạn của quân đội Mỹ.

Các quan chức Lầu Năm Góc đã gặp Giám đốc điều hành của Lockheed Martin, thảo luận về khả năng tăng cường sản xuất MLRS. Vương quốc Anh cho biết cũng cân nhắc cung cấp các hệ thống pháo tên lửa tương tự từ kho dự trữ quân sự, cùng với Mỹ.

Các quan chức ở Kiev và những chính trị gia ủng hộ Ukraine ở Mỹ cho rằng, những hệ thống pháo phản lực – tên lửa Mỹ sẽ lật ngược tình thế đối với quân đội Ukraine.

Nghị sĩ đảng Dân Chủ Jason Crow nói với CNN : “Tôi nghĩ rằng đó có thể là một vũ khí thay đổi trò chơi “gamechanger”.

Quân đội Ukraine hiện đang bị buộc phải rút lui trên chiến trường phía đông Donbass. Trong tuần này, quân đội Nga và lực lượng dân quân Donbass đã giành quyền kiểm soát thị trấn Liman.

Theo Đời sống - Tri thức cuộc sống
back to top