Trong một tuyên bố cứng rắn ngày 8/2, Bộ Ngoại giao cho biết Bình Nhưỡng sẽ không "lãng phí thời gian" với việc "phục tùng" và "tuân theo" Washington.
Tuyên bố nhấn mạnh: “Trong thế giới ngày nay, nhiều quốc gia lãng phí thời gian đối phó với Mỹ bằng sự khuất phục và tuân thủ mù quáng. Chỉ có đất nước của chúng ta trên hành tinh này có thể làm rung chuyển thế giới bằng cách phóng thử tên lửa mà lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn”.
"Có hơn 200 quốc gia trên thế giới, nhưng chỉ một số ít có bom khinh khí, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa siêu thanh."
Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi hàng loạt vụ diễn tập phóng thử nghiệm tên lửa gần đây là “những thành tựu lớn”, nhưng nhấn mạnh rằng quốc gia này quan tâm đến việc tăng cường “khả năng răn đe chiến lược”.
Căng thẳng quốc tế gia tăng sau hàng loạt vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên gần đây, những hoạt động mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra lệnh cấm từ lâu. Tháng 1/2022 là tháng kỷ lục với bảy lần phóng, trong đó có một loại "tên lửa siêu thanh" mới có thể cơ động trên mặt phẳng ngang với tốc độ cao.
Một trong các vụ thử nghiệm được thế giới đề cập đến nhiều là vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12, tái thử nghiệm kể từ năm 2017. Tên lửa có khả năng tấn công các vùng lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng lưu ý về Hwasong-15, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tầm xa nhất mà Triều Tiên từng phóng, chưa được phóng thử nghiệm kể từ lần thử đầu tiên năm 2017, được cho là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đến bất cứ điểm nào trên lãnh thổ Mỹ.
Phản ứng trước tuyên bố trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, trả lời phỏng vấn trang The Hill cho biết, Washington coi Bình Nhưỡng là "mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế và cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu", nhưng nhấn mạnh rằng Mỹ "không có ý định thù địch" đối với quốc gia đóng kín này.
Đồng thời, Washington cam kết "hạn chế phạm vi tiếp cận" "các chương trình vũ khí nguy hiểm nhất" của Triều Tiên và giữ an toàn cho quân nhân Mỹ và những đồng minh châu Á.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Mỹ có lợi ích quan trọng trong việc răn đe (Triều Tiên), phòng thủ trước các hành động khiêu khích hoặc sử dụng vũ lực, hạn chế phạm vi tiếp cận của các chương trình vũ khí nguy hiểm nhất của họ và trên hết là giữ an toàn cho người dân Mỹ, các lực lượng đã triển khai và các đồng minh của chúng ta".