Mầm đậu nành tốt cho phụ nữ do có chứa Isoflavon hay còn gọi là nội tiết tố nữ thực vật. Các nghiên cứu trên thế giới đã khuyến nghị, mỗi ngày, chị em cần hấp thu khoảng 45 mg Isoflavon. Có thể bổ sung Isoflavon từ việc ăn đậu phụ uống sữa đậu nành, bột đậu tương hoặc uống các chế phẩm từ tinh chất mầm đậu nành.
Trước tình trạng nhiều sản phẩm mầm đậu nành không đạt chuẩn chất lượng, nhập nhèm về các chỉ tiêu công bố, PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết chị em hoàn toàn có thể tự làm bột mầm đậu nành để sử dụng mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Với quy trình sản xuất công nghiệp, người ta sẽ làm cho hạt đậu nành nảy mầm rồi chiết xuất các thành phần có trong mầm đậu nành, hoặc lấy chính mầm hạt đậu nành đem phơi khô, nghiền nhỏ, tán thành viên hoặc để nguyên bột để uống.
Dựa trên cơ chế này thì chị em hoàn toàn có thể tự làm mầm đậu nành bằng cách ủ hạt đậu nảy mầm rồi lấy mầm đó phơi khô, tán nhỏ để sử dụng. Công dụng của mầm đậu nành này không khác gì với sản phẩm khi sản xuất trên dây chuyền hàng loạt.
Quan trọng nhất là phải chọn được hạt đậu nành có khả năng nảy mầm. Do đó các bạn nên làm thử gieo vài hạt trước khi làm thật số lượng lớn. Rửa sạch đậu, ngâm với nước ấm 35 độ C trong 3h, vớt ra ủ đậu. Có thể ủ trong rổ hoặc cho hạt đậu nành vào túi vải tối màu.
Mỗi ngày tưới khoảng 2 lần, nên giũ nhẹ đậu vào nước rồi nhấc lên, giúp giảm bớt lượng nước chua trên hạt đậu, tránh thối đậu. Sau khi mầm đậu nành khoảng 1 tới 2cm, thường mất 2 ngày ủ mầm, sau đó phơi sấy khô, rang chín rồi xay sẽ thu được bột mầm đậu nành. Cách làm này cho ra sản phẩm vừa rẻ, vừa an toàn. Ngoài ra có thể sử dụng mầm đậu nành làm thực phẩm như giá đỗ…