Mùa hè nên chị Trần Thu Thanh (Nam Định) hay làm sữa đậu nành để tủ lạnh để cả nhà uống. Lúc đầu chồng con chị hồ hởi uống lắm nhưng sau không hưởng ứng vì sợ không tốt với nam giới, nhất là sức khỏe sinh sản.
Không uống sữa đậu nành nhưng đi đâu về nóng là chồng chị mở lon bia ướp lạnh ra uống, con trai lớn của chị thấy thế cũng bắt chước theo. Khi chị nói thì chồng chị bảo, uống bia tốt chứ uống sữa đậu nành nhiều khéo không có cháu bế.
Ths.BS Lê Thị Hải, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng QG cho biết, đậu nành là thực phẩm giàu Isoflavones hay còn biết dưới tên gọi phytoestrogen có cấu trúc gần giống estrogen của nữ nên bị lầm tưởng sẽ ảnh hưởng đến nội tiết tố của nam, nhưng thực chất Isoflavones không phải là estrogen, isoflavones không có tác dụng nữ hóa.
Giám đốc Viện Dinh dưỡng Đậu nành Mỹ đã công bố một số kết quả phân tích tổng hợp các nghiên cứu khẳng định, đậu nành và thực phẩm cung cấp Isoflavones đều không làm thay đổi nồng độ Testosterone khả dụng ở nam giới. Người Nhật ăn rất nhiều các chế phẩm từ đậu nành nhưng đàn ông Nhật Bản lại có số lượng tinh trùng tương đương hoặc cao hơn so với đàn ông Bắc Âu.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy nồng độ testosterone ở nam giới Nhật Bản cũng tương tự như nam giới Mỹ. Ăn hay uống đậu nành có lợi cho tim, ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt. Trong đậu nành rất giàu isoflavanones, một chất chống ôxy hóa hết sức hiệu quả.
Protein trong đậu nành có khả năng ngăn chặn các enzyme kích thích sự tăng trưởng của tế bào tuyến tiền liệt. Mỗi ngày ăn 200g đậu phụ (tương tương 1 bìa đậu) hoặc uống 500ml sữa đậu nành hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe sinh sản của nam giới.
MA (ghi)