Động thái này cho thấy sự leo thang căng thẳng lên một cấp độ mới trên eo biển Đài Loan, diễn ra ngay sau khi Mỹ và Đài Loan ký một biên bản ghi nhớ thúc đẩy sự hợp tác giữa các lực lượng tuần duyên, và Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố phát triển các tên lửa tầm xa, có thể tấn công vào sâu trong nội địa Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, lực lượng không quân của hòn đảo này đã đưa các hệ thống tên lửa phòng không vào "giám sát" cuộc xâm nhập vào khu vực phía tây nam của vùng nhận dạng phòng không. Các máy bay chiến đấu cũng xuất kích, cảnh báo máy bay Trung Quốc bằng radio.
Đường bay của các máy bay chiến đấu Trung Quốc trong vùng ADIZ Đài Loan |
Đây là cuộc xâm nhập lớn nhất cho đến nay kể từ năm 2020 - khi Đài Loan công bố về các chuyến bay quân sự hàng ngày của Trung Quốc trên vùng biển giữa phần phía nam của Đài Loan và quần đảo Pratas do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, phi đội máy bay Trung Quốc bay phía nam không phận Đài Loan, đi qua Kênh Bashi, vùng nước ngăn cách hòn đảo này với Philippines.
Một chuyên gia an ninh của Đài Loan cho biết, không quân Trung Quốc đang tiến hành các cuộc diễn tập, mô phỏng cuộc tấn công chống lại những chiến hạm Mỹ đi qua Kênh Bashi.
Trung Quốc khẳng định Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời, bắt đầu tăng cường những hoạt động quân sự gần hòn đảo trong những tháng gần đây, khi chính phủ của bà Thái Anh Văn có những động thái hướng tới việc Đài Loan ly khai với sự hỗ trợ của Mỹ. Truyền thông của đảo tuyên bố, những động thái nay gây nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, trong phi đội không quân Trung Quốc, tiến vào ADIZ Đài Loan có 4 máy bay ném bom H-6K có khả năng mang vũ khí hạt nhân, 10 máy bay chiến đấu J-16, 2 chiếc J-10 và chiếc Y-8 RECCE là điều bất thường.
Các máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc thường xuyên bay trên eo biển Đài Loan
Bộ Quốc phòng Trung Quốc bình luận về tuyên bố của Đài Loan. Bắc Kinh thường tuyên bố rằng, những cuộc tập trận như vậy trong vùng lãnh thổ của quốc gia này, không có gì bất thường và được thực hiện thường xuyên để thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền.
Ngày 26/3, Đài Loan và Mỹ đã ký thỏa thuận đầu tiên trong nhiệm kỳ của tân tổng thống Joe Biden, thành lập Nhóm công tác tuần duyên để điều phối sự liên kết phối hợp giữa 2 lực lượng, sau khi Trung Quốc thông qua luật cho phép các chiến hạm tuần duyên được nổ súng vào các tàu nước ngoài khi có vi phạm.
Mỹ, giống như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng tiếp tục hỗ trợ Đài Loan trong lĩnh vực quốc phòng và là quốc gia cung cấp vũ khí chính cho hòn đảo này.