Trung đoàn tên lửa đường sắt của Triều Tiên diễn tập phóng tên lửa đạn đạo

Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, ngày 15/1, trung đoàn tên lửa đường sắt đã phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, Mỹ đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên sau vụ thử vũ khí gần đây.

Đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo thứ 3 của Triều Tiên trong năm nay. Các sĩ quan chỉ huy cao cấp Quân đội Nhân dân Triều Tiên và các quan chức hàng đầu của Học viện Khoa học Quốc phòng đã giám sát cuộc diễn tập này.

Hãng tin KCNA không nêu rõ tầm bắn hoặc quỹ đạo bay của tên lửa, cho biết cuộc diễn tập bắn được tiến hành ở tỉnh Bắc Pyongan để "kiểm tra và đánh giá cấp độ thành thục kỹ năng chiến đấu trong các quy trình tác chiến của trung đoàn đường sắt".

Hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) bay khoảng 430 km (267 dặm) trên độ cao tối đa 36 km (22 dặm) khi được phóng về hướng đông bờ biển phía tây bắc Triều Tiên.

Triều Tiên chính thức công khai lực lượng tên lửa đạn đạo đường sắt , lực lượng mà trước đây được cho là chỉ có ở Liên Xô / Nga hiện nay.

Hãng thông tấn Triều Tiên trước đó đưa tin, ngày 16/9/2021, một trung đoàn tên lửa đường sắt mới thành lập đã phóng thành công hai tên lửa đạn đạo từ bệ phóng di động trên đường sắt.

Các tàu mang tên lửa được ngụy trang rất tốt và khả năng cơ động cao, có thể chạy đến một nghìn km trong ngày.

Trung đoàn tên lửa đường sắt Triều Tiên diễn tập chiến đấu

Một tên lửa đường sắt được phóng vào ngày 14/1/2022. (Ảnh của KCNA).

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn là loại KN-23, chế tạo theo nguyên mẫu tên lửa đạn đạo di động Iskander của Nga.

Toa tàu phóng tên lửa sử dụng hai bộ thiết bị vận tải đạn, dựng thẳng đứng và phóng cạnh nhau, tương tự như cách sắp xếp thiết bị dựng và phóng tên lửa được sử dụng trong xe vận tải - phóng đạn di động (TEL).

Quân đội Triều Tiên sẽ thiết lập hệ thống điều hành tên lửa đường sắt "trên khắp đất nước".

Đoàn tàu vận tải phóng tên lửa đường sắt là phương tiện chiến đấu cơ động cao và bí mật, có thể phóng ở bất cứ điểm nào tạm dừng và ngụy trang hiệu quả trước các cảm biến, bao gồm cả cảm biến trên vệ tinh của các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Được thiết kế như một đoàn tàu chở hàng, tàu tên lửa không thể bị giám sát vệ tinh hoặc trinh sát điện tử phát hiện.

KN-23 là tên lửa đạn đạo chiến thuật sử dụng nhiên liệu rắn của Triều Tiên.

Giống như Iskander-M, đạn bay theo quỹ đạo gần như tên lửa đạn đạo, trần bay dưới độ cao 50 km (160.000 ft), nơi bầu khí quyển đủ dày đặc để các vây của tên lửa có thể thay đổi hướng dọc theo đường bay của nó.

Tên lửa có tầm bắn khoảng 450 km với đầu đạn nặng 500 kg, đưa toàn bộ Hàn Quốc vào phạm vi tấn công và có thể mở rộng tầm bắn lên tới 690 km với trọng lượng đầu đạn giảm. Đầu đạn có thể là đạn đơn, bom, bom đạn chùm hoặc đầu đạn hạt nhân.

Theo Đời sống - Tri thức cuộc sống
back to top