Người phụ trách chuyên mục HI Sutton của Viện Hải quân Mỹ đăng một bức ảnh - do vệ tinh Sentinel-2 của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu chụp vào khoảng 10 giờ sáng, cho thấy một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đang hải hành cùng với một tàu khác.
“Mặc dù ảnh của Sentinel-2 có độ phân giải thấp, có thể thấy các nét đặc trưng của tàu ngầm với mũi tròn điển hình. Chiều dài thân tàu phù hợp nhất với Type 094 cùng bối cảnh phù hợp” - Sutton viết trên trang web cá nhân Covert Shores.
Theo ông, chiếc tàu ngầm đang đi về phía bắc từ căn cứ Hải quân PLAN ở Yulin, bờ biển phía nam đảo Hải Nam trên Biển Đông.
Đây cũng có thể là một chuyến hải hành thông thường, vì các tàu ngầm Trung Quốc thường quay trở lại nhà máy đóng tàu trên Biển Bột Hải phía bắc để “sửa chữa và đại tu”.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, việc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hải hành trong trạng thái bơi nổi là điều bất thường, đặc biệt là tàu ngầm tiên tiến như Type 094.
Tàu ngầm lớp Jin mang tên lửa đạn đạo JL-2 với tầm bắn khoảng 7.000km (4.350 dặm), có thể tấn công vùng đông bắc của Mỹ.
Các phiên bản mới nhất của tàu ngầm Type 094A được đưa vào biên chế sẵn sàng chiến đấu vào tháng 4/2021, được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-3 với tầm bắn hơn 10.000km.
Nhà quan sát quân sự Antony Wong Tong tại Macau lưu ý: “Vũ khí chủ lực của Type 094 được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ, tàu ngầm di chuyển trên mặt nước chỉ khi PLA muốn mọi người nhìn thấy”.
Cùng ngày 29/11, theo Tổ chức Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, một máy bay tuần tra chống ngầm P-8A Hải quân Mỹ cũng bay qua eo biển Đài Loan từ Căn cứ Không quân Misawa ở Nhật Bản.
Collin Koh, nhà phân tích an ninh hàng hải thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng, chuyến hải hành của tàu ngầm PLA “có thể được hiểu, dù đúng hay sai là Trung Quốc gửi tín hiệu răn đe cho Mỹ qua eo biển Đài Loan, quân đội Mỹ đang giám sát chặt chẽ hoạt động này".
Zhou Chenming, nhà nghiên cứu thuộc Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, cho biết eo biển Đài Loan nối biển Đông và biển Nam Trung Quốc, có địa hình phức tạp dưới đáy, núi lửa dưới đáy đại dương đang hoạt động và “không thân thiện” đối với tàu ngầm. Các tàu ngầm có xu hướng sử dụng Kênh Bashi thay thế khi đi từ nam lên bắc, hoặc quá cảnh eo biển Miyako khi đi từ bắc xuống nam.
Ông nhấn mạnh: “Nhưng đi qua eo biển Đài Loan sẽ tiết kiệm thời gian, nếu tàu ngầm hướng đến Nhà máy đóng tàu Bột Hải để nâng cấp hoặc đại tu”.