Ngày 07.07.2020, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ông Tomohiro Yamamoto có chuyến viếng thăm Trung tâm nghiên cứu công nghệ hàng không và tên lửa của Lực lượng Phòng vệ, có trụ sở tại ngoại ô Tokyo.
Ông Tomohiro Yamamoto nghe báo cáo về những tiến bộ trong tiến trình thực hiện các chương trình quốc phòng tiềm năng, trọng tâm là R & D (nghiên cứu và phát triển) máy bay chiến đấu thế hệ mới cấp nhà nước, và hệ thống vũ khí trang bị mới cho máy bay này.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, sau chuyến thăm và làm việc công bố bức ảnh lên tài khoản Twitter của mình, đó có hình ảnh một tên lửa có điều khiển siêu thanh, có thể tấn công các mục tiêu trên biển hoặc mục tiêu mặt đất.
Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nhật Bản và bức ảnh tên lửa siêu âm |
Theo nguồn tin quân sự Nhật Bản, đây là tên lửa chống hạm siêu âm, được phát triển bởi Cơ quan mua sắm, Công nghệ và Hậu cần (Acquisition, Technology & Logistics Agency (ATLA).
Theo nguồn tin từ trang Naval News, tên lửa siêu thanh mới của Nhật Bản sẽ được trang bị động cơ phản lực kép dòng khí thẳng Scramjet Dual-Mode (DMSJ), kết hợp giữa động cơ ramjet và scramjet (động cơ đốt cháy không khí tốc độ siêu âm), để bay ở tốc độ cao hơn từ Mach 5 trở lên.
Việc phát triển tên lửa mới này bắt đầu vào năm 2019, dự kiến hoàn thành vào những năm 2030. Tên lửa mới được thiết kế để hành trình ở độ cao lớn và có thể tấn công tiêu diệt các tàu sân bay Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Theo những tài liệu do ATLA công bố, tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường kết hợp giữa định vị vệ tinh và quán tính. Dẫn đường chủ động giai đoan cuối bằng hệ thống tìm kiếm xác định mục tiêu bằng hình ảnh radio và sóng ánh sáng (lightwave).
Tên lửa có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết, có khả năng mang đầu đạn xuyên để phá hủy các sàn boong của tàu sân bay và đầu đạn nổ mật độ cao (EFP) để tiêu diệt mục tiêu trên mặt đất.
Hệ thống tên lửa siêu âm Nhật Bản |
Trước đây, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã lên kế hoạch triển khai nguyên mẫu đầu tiên của tên lửa vào năm 2026, sau đó là phiên bản nâng cao sau năm 2028. Nếu thành công phát triển tên lửa, Nhật Bản sẽ là quốc gia thứ tư trên thế giới có vũ khí công nghệ trượt siêu âm, sau Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ.