Nga phóng thành công siêu tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat

Ngày 20/4, Nga phóng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) “hạng siêu nặng” RS-28 Sarmat từ hầm phóng (silo) tại sân bay vũ trụ thử nghiệm quốc gia Plesetsk thuộc Vùng Arkhangelsk.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, vụ phóng thử nghiệm đạt được những mục tiêu đề ra.

Lần phóng này là lần đầu tiên trong chương trình thử nghiệm tên lửa của Liên bang. Sau khi hoàn thành chương trình thử nghiệm, hệ thống tên lửa Sarmat sẽ được đưa vào biên chế trong Lực lượng Tên lửa Răn đe Chiến lược.

Nga phóng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM Sarmat. Video RT

Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat là sản phẩm hoàn toàn của nền công nghiệp quốc phòng Nga. Tên lửa được các chuyên gia của Công ty CP thiết kế tên lửa V.P Makeyev (Makeyev State Rocket Center JSC) phát triển từ những năm 2000.

Những tính năng kỹ thuật về khối lượng – động năng của tên lửa đã mở rộng, cả về số lượng đầu đạn và chủng loại, bao gồm cả đầu đạn siêu thanh.

Tên lửa Sarmat sẽ thay thế tên lửa R-36M2 Voevoda, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mạnh nhất thế giới, phục vụ trong lực lượng tên lửa chiến lược từ những năm 1970.

Những thông số kỹ thuật của tên lửa Sarmat vượt trội hơn tên lửa đạn đạo tiền nhiệm. Một số đặc điểm của tên lửa được công bố tại diễn đàn Army-2019.

Tên lửa mới nặng 208,1 tấn, tải trọng hữu ích gần 10 tấn, nhiên liệu phóng đạt 178 tấn. Tầm bay chiến đấu của Sarmat là 18.000 km. Tên lửa có thể mang 10–15 đầu đạn MIRV hoặc một số lượng không xác định đầu đạn siêu thanh Avangard.

Tính năng kỹ chiến thuật hệ thống ICBM RS-28 Sarmat. Ảnh South Front

Hệ thống Sarmat có các bộ khí tài hoàn toàn mới chống lại các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Giai đoạn bay chủ động ban đầu, khi tên lửa tăng tốc, dễ dàng bị phát hiện và bị đánh chặn đã giảm xuống.

Phần tăng tốc ngắn hơn có ý nghĩa quan trọng trong đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa đối phương, vì chỉ có thể tách các đầu đạn và phóng các mục tiêu giả sau khi tên lửa được tăng tốc. Động cơ đẩy của Sarmat nhanh chóng đưa tên lửa đến vùng an toàn, khiến hệ thống phòng thủ tên lửa không thể tấn công, cho phép tên lửa đạt quỹ đạo bay chính.

Tên lửa có thể bay theo các đường bay không thể dự đoán và vòng tránh các khu vực phòng thủ tên lửa. Tên lửa có thể bay qua Bắc Cực hay Nam Cực, tiếp cận mục tiêu từ các hướng không thể dự kiến ​​để đánh chặn. Để Sarmat trở thành vũ khí không thể ngăn chặn, tên lửa được trang bị phương tiện bay siêu thanh Avangard.

Nhờ những đặc điểm này, tên lửa Sarmat có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ chống tên lửa nào hiện nay và tương lai. Sarmat là tên lửa ICBM mạnh nhất, tầm bắn xa nhất thế giới, trở thành vũ khí răn đe chủ lực của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga.

Theo Đời sống - Tri thức Cuộc sống
back to top