Phát ngôn viên Joe Monaghen của tập đoàn Lockheed Martin cho biết, doanh nghiệp đã nhận được hợp đồng trị giá 414 triệu USD mua 137 tên lửa LRASM, thiết bị hỗ trợ, hệ thống kỹ thuật đảm bảo, hậu cần và công tác huấn luyện đào tạo.
LRASM có tầm hoạt động khoảng 300 hải lý. Tên lửa chống hạm mới có khả năng chống nhiễu và được thiết kế để định vị mục tiêu bằng những cảm biến trên chiến hạm, thay vì dựa vào dẫn đường và chỉ thị mục tiêu từ nguồn khác như hệ thống cảm biến của máy bay không người lái hoặc chiến hạm khác. Tên lửa được chế tạo, ứng dụng công nghệ tàng hình, do đó khó bị phát hiện và đánh chặn hơn hơn.
Trong thông cáo báo chí công bố hợp đồng, Lockheed cho biết việc đặt mua các tên lửa chống hạm thế hệ mới cho thấy “tầm quan trọng ngày càng tăng của LRASM đối với các sứ mệnh của khách hàng chúng tôi”.
Tháng 1, Văn phòng thử nghiệm, kiểm tra và đánh giá hoạt động vũ khí DOT & E nhấn mạnh, Hải quân nên tăng cường thử nghiệm những tên lửa phiên bản mới nhất.
Thông báo có "nhiều lỗi phần cứng và phần mềm" trong phiên bản đầu tiên của tên lửa LRASM, bản báo cáo của DOT & E kêu gọi Hải quân đưa phiên bản LRASM 1.1 mới thực hiện một quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt trong điều kiện sát thực tế chiến đấu để đảm bảo nó sẽ "chứng minh khả năng giải quyết hoàn hảo nhiệm vụ trong môi trường chiến tranh hiện đại.”
Lockheed Martin tuyên bố rằng tên lửa được thiết kế sử dụng "bộ cảm biến đa phương thức, liên kết dữ liệu vũ khí và Hệ thống định vị toàn cầu chống nhiễu kỹ thuật số nâng cao nhằm phát hiện và tiêu diệt những mục tiêu cụ thể trong một nhóm chiến hạm trên biển", nghĩa là tên lửa có thể lựa chọn những hạm tàu mục tiêu nó từ một nhóm tàu số lượng lớn của đối phương.
Công ty cũng cho biết, tên lửa chống hạm “giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát, liên kết mạng và định vị GPS trong môi trường tác chiến điện tử công suất lớn. LRASM sẽ đóng vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận các hoạt động tác chiến ngoài khơi xa, dựa vào khả năng phân biệt, xác định chính xác mục tiêu, tiến hành các đòn tiến công chiến thuật trên những phạm vi chiến trường mở rộng".
Quân đội Mỹ thử nghiệm tên lửa chống hạm tầm xa LRASM
Quân đội Mỹ đang tích trữ "tên lửa diệt hạm". Tháng 2/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đưa số lượng đến 850 tên lửa chống hạm vào dự kiến chi tiêu ngân sách quốc phòng trong 5 năm, con số này tăng gấp 10 lần so với 88 tên lửa chống hạm lên kế hoạch cho giai đoạn 2016-2021.
Bộ Quốc phòng Mỹ xác định, đây là nhu cầu cấp thiết vì hạm đội Nga và Trung Quốc đang mở rộng. Hạm đội chiến hạm Bắc Kinh đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, trong khi Mỹ tiếp tục các hoạt động quân sự trên thế mạnh ở Biển Đông, Đài Loan và Địa Trung Hải.
Hải quân Trung Quốc dự kiến sẽ đạt khoảng 425 chiến hạm vào năm 2030. Đây là con số mà Mỹ và các đồng minh châu Á rất lo ngại. Điều đó buộc Bộ Quốc phòng Mỹ phải cân bằng lực lượng với số lượng các tên lửa chống hạm hiện đại tầm xa.