RMAF cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 1/6, cuộc đối đầu diễn ra trong vùng thông báo bay Kota Kinabalu (FIR) khoảng 1h30 chiều ngày 31/5 theo giờ địa phương.
Không quân Malaisia cho biết: “Máy bay PLAAF bị radar phòng không của RMAF tại Trung tâm phòng không Sarawak phát hiện lúc 11h53' sáng”. Khi đó, máy bay Trung Quốc bay vào không phận vùng biển của Malaysia.
Theo thông báo của RMAF, phi đội không quân Trung Quốc có 16 chiếc máy bay Xi'an Y-20 và Ilyushin Il-76, bay theo đội hình hành quân cách bờ biển Malaysia 60 hải lý.
Bản tin cũng cho biết lực lượng Trung Quốc tiếp cận theo “đội hình chiến thuật” và bị radar phòng không phát hiện lần đầu tiên ở bang Sarawak, miền đông Malaysia.
Những máy bay không được xác định danh tính bay với tốc độ 290 hải lý / giờ theo hướng tây nam trong khu vực thông báo bay (FIR) của Singapore, sau đó bay qua Bãi cạn Luconia, mà Malaisia gọi là Beting Patinggi Ali, quay về hướng nam, đi vào không phận quốc tế do kiểm soát không lưu Malaysia quản lý, trên độ cao từ 23.000 đến 27.000 feet (7 – 8 km).
Thông cáo báo chí của Không quân Malaisia cùng với bản đồ bay của không quân Trung Quốc |
Malaysia công bố bản đồ bay, ghi lại đường bay của các máy bay phản lực Trung Quốc, bay qua Bãi cạn Luconia trước khi quay trở lại, cách bờ biển Malaysia 60 hải lý trong vùng lân cận Bãi cạn James.
Cả hai đối tượng địa lý hàng hải này đều do Malaysia tuyên bố chủ quyền và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Trung Quốc cũng tuyên bố quyền sở hữu các bãi cạn, nằm trong cái gọi là đường chín đoạn mà Bắc Kinh sử dụng để tuyên bố chủ quyền đối với các phần của Biển Đông. Bãi cạn Luconia, được Malaysia gọi là Beting Petinggi Ali, gần như liên tục xuất hiện các tàu thuộc Lực lượng Phòng thủ Bờ biển Trung Quốc, theo thông tin từ tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, trên cơ sở dữ liệu nghiên cứu theo dõi tàu thuyền khu vực.
Máy bay không đáp lại yêu cầu liên lạc của kiểm soát viên không lưu Malaysia, RMAF đưa máy bay chiến đấu hạng nhẹ Hawk 208 do BAE Systems sản xuất, xuất kích từ căn cứ không quân Labuan gần đó vào lúc 1:33 pm để đánh chặn và xác định quốc hiệu.
Chính phủ Malaisia thường xuyên thực hiện quyền quản lý các bãi cạn này, Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) và Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA) thường xuyên triển khai các hạm tàu đến khu vực.
Đây không phải là lần đầu tiên máy bay phản lực Trung Quốc tiếp cận vùng nước đặc quyền kinh tế của Malaysia, nhưng đây là lần đầu tiên có một lực lượng lực lượng lớn xuất hiện trong khu vực. Các nguồn tin trên mạng xã hội cho biết, những máy bay vận tải của PLAAF xuất phát từ các căn cứ ở Trung Quốc .
Việc phi đội máy bay Trung Quốc không liên lạc với hệ thống kiểm soát không lưu và việc định tuyến bay gần các bãi cạn tranh chấp được RMAF mô tả là “vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia và an toàn hàng không”. Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein ra tuyên bố, cho biết Malaysia sẽ đưa một công hàm phản đối ngoại giao chống lại vụ việc này.
Đường bay của máy bay Trung Quốc cho thấy nhiều khả năng PLA đang tiến hành một cuộc diễn tập hành quân đường không trên biển tầm xa. Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia, trả lời phỏng vấn kênh Channel News Asia của Singapore cho biết, phi đội không quân Trung Quốc bay phù hợp với luật pháp quốc tế và không bay vào không phận lãnh thổ Malaysia.
Không có thông tin về việc, các máy bay của PLAAF có liên lạc với hệ thống kiểm soát không lưu Singapore khi bay qua không phận quốc tế do quốc gia đó quản lý hay không? Các trang web theo dõi chuyến bay cho thấy một máy bay cảnh báo sớm Gulfstream G550 thuộc Không quân Cộng hòa Singapore cũng bay về phía đông Biển Đông ngay sau khi các máy bay phản lực của PLAAF được phát hiện trên radar của Malaysia.