Việc triển khai các khẩu đội pháo hạng nặng và pháo phản lực cho thấy, quân đội quốc gia này đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn hơn trong khu vực Dải Gaza.
Phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết, không quân nước này đã không kích vào một tổ chiến binh Hamas đang chuẩn bị bắn một tên lửa chống tăng có điều khiển vào Israel từ Dải Gaza.
Trong 2 ngày 9 – 10/5, lực lượng thánh chiến Hamas phóng tên lửa tiếp tiếp từ Gaza về phía lãnh thổ Israel. Còi báo động tên lửa rú liên tiếp khi đạn bắn về phía Ashkelon và một số cộng đồng xung quanh Dải Gaza.
Còi báo động tên lửa cũng được kích hoạt ở Ashkelon, Nahal Oz, Sderot, Karmia, Zikim, Kfar Silver và Yad Mordechai.
Theo Lực lượng Phòng vệ Israel, khoảng 150 quả rocket phóng từ Gaza về phía Israel kể từ khi bắt đầu leo thang xung đột, một binh sĩ Israel bị thương.
Lực lượng không quân Israel tiến hành hàng loạt cuộc tấn công vào các địa điểm quân sự và dân sự ở Gaza.
Theo các video trên mạng, các UAV quân sự của Israel tấn công vào dân thường ở Gaza, khiến hàng chục người, bao gồm cả trẻ em thương vong. Quân đội Israel cũng sử dụng pháo phản lực phóng tên lửa có điều khiển phá hủy một số địa điểm quân sự của Hamas.
Theo Bộ Y tế Palestine, 65 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza bị bao vây.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo về một chiến dịch quân sự quy mô lớn tấn công Hamas. Ông Netanyahu cáo buộc nhóm Hamas vượt qua “lằn ranh đỏ” bằng trận tên lửa và tuyên bố sẽ có phản ứng cứng rắn. Ông nhấn mạnh: “Bất cứ ai tấn công chúng tôi sẽ phải trả giá đắt.
Abu Obeida, phát ngôn viên của nhóm thánh chiến Hamas tuyên bố, cuộc tấn công vào Jerusalem là phản ứng đối với "tội ác và sự xâm lược" của Israel trong thành phố. “Đây là thông điệp mà kẻ thù phải hiểu rõ,” Obeida nói đồng thời đe dọa sẽ tấn công nhiều hơn nếu lực lượng an ninh, cảnh sát Israel tái tiến công vào khu nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa hoặc thực hiện cưỡng chế trục xuất các gia đình Palestine khỏi khu vực lân cận Đông Jerusalem.
Mỹ và Liên minh châu Âu bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bất ổn ở Đông Jerusalem, kêu gọi Israel làm dịu tình hình và không thực hiện trục xuất cưỡng bức người dân Palestine.
Các đồng minh Ả rập có quan hệ ngoại giao với Israel, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng lên án hành động của Israel.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên Twitter, thể hiện sự giận dữ của mình bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Ả Rập và tiếng Do Thái. Ông gọi Israel là "quốc gia khủng bố tàn ác", kêu gọi các quốc gia Hồi giáo cần thực hiện các bước hiệu quả để ngăn chặn bạo lực. Những người giữ im lặng là "đứng về phía sự tàn bạo."
Erdogan đã điện đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh, bày tỏ sự ủng hộ nhân dân Palestine, Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu, tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục là tiếng nói “của các anh chị em Palestine và tiếp tục bảo vệ quyền lợi của họ”.
Ả rập Xê út, Kuwait, Ai Cập và các quốc gia Ả rập khác cũng lên án hành động của Israel, nhưng bằng ngôn ngữ rất ôn hòa.