Chính quyền Mỹ khẳng định hải đội Iran đang đi về phía Venezuela, nhưng Tehran không xác nhận điểm đến cuối của hải trình.
Đài truyền hình nhà nước Iran công bố video ngắn, ghi lại cảnh khu trục hạm mới đóng đi qua vùng biển Đại Tây Dương. video có khả năng được quay từ Makran, vốn là một tàu chở dầu thương mại được chuyển đổi thành tàu sân bay cho trực thăng.
Đô đốc Habibollah Sayyari, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Iran cho biết, hải đội khởi hành tháng 5 từ cảng Bandar Abbas, phía nam của Iran. Đây là chuyến hải hành dài nhất và đầy thử thách với hải quân Iran.
Đô đốc Sayyari cho biết: “Hải quân đang tăng cường năng lực đi biển và chứng minh khả năng hoạt động trong các vùng biển bất lợi và điều kiện thời tiết phức tạp của Đại Tây Dương”. Ông cho biết thêm, hải đội sẽ không ghé thăm cảng của bất kỳ quốc gia nào trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price không suy đoán hải đội Iran đang thực hiện điều gì, nhưng tuyên bố cứng rắn "nếu đây là một nỗ lực chuyển giao vũ khí hoặc vi phạm luật pháp quốc tế, chúng tôi sẽ sẵn sàng đáp trả".
Price nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng sử dụng các cơ quan có thẩm quyền hiện hành của mình, cùng với những biện pháp trừng phạt, chống lại bất kỳ tác nhân nào cho phép Iran liên tục cung cấp vũ khí cho các đối tác, có xu hướng nghiêng về các chính sách bạo lực".
Ngày 31/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh từ chối cho biết vùng nước mà đội tàu Makran đang hải hành.
Ông nhấn mạnh: “Iran luôn hiện diện trên các vùng biển quốc tế và có quyền này theo luật pháp quốc tế, có thể hiện diện ở các vùng biển quốc tế. Không quốc gia nào có thể ngăn chặn quyền của Iran, tôi cảnh báo, các thế lực chống đối Iran đừng tính toán sai lầm. Những kẻ ngồi trong nhà kính nên cẩn thận với những hành động của mình”.
Xuồng tên lửa tấn công nhanh trên boong tàu vận tải Makran là loại xuồng mà Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran sử dụng trong các cuộc chạm trán căng thẳng với chiến hạm Mỹ ở Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz.
Viện Hải quân Mỹ (USNI) cho biết trong một phân tích được công bố trước đó: “Nếu các xuồng cao tốc được chuyển giao, phương tiện này có thể trở thành nòng cốt của lực lượng tác chiến phi đối xứng trong lực lượng vũ trang Venezuela. Những phương tiện này có thể hướng đến việc gây gián đoạn hoạt động hàng hải như một phương tiện chống lại lực lượng hải quân mạnh hơn. Những tuyến đường vận chuyển đến và đi ra từ Kênh đào Panama gần bờ biển Venezuela”.
Ngày 10/6 , Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chia sẻ với các thượng nghị sĩ về sự lo ngại khi Hải quân Iran đang vượt qua Đại Tây Dương và có thể chuyển giao vũ khí cho Venezuela.
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho biết việc cho phép hải đội Iran cập cảng sẽ có ý nghĩa "quan trọng" ở nhiều cấp độ, bao gồm cả việc lần đầu tiên các chiến hạm Iran hoàn thành hành trình khó khăn vượt Đại Tây Dương.
Ông nói: “Tiền lệ cho phép Iran cung cấp vũ khí cho khu vực khiến tôi rất quan ngại".
Bộ trường Quốc phòng Austin cho biết ông chia sẻ sự lo ngại của Blumenthal và phát biểu “Tôi hoàn toàn lo ngại về sự phổ biến của vũ khí, bất kỳ loại vũ khí nào, trong khu vực lân cận chúng ta”.
Austin từ chối trả lời câu hỏi của Blumenthal về những loại vũ khí nào trên tàu, tuyên bố sẽ cung cấp thông tin trong một phiên họp kín. Ông nói thêm rằng cũng chưa thảo luận với bất kỳ nhà lãnh đạo các nước khác trong khu vực về chuyến hải hành của Hải quân Iran.