Đối kháng trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng trong nhiệm kỳ Joe Biden

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 26/1, một máy bay tác chiến điện tử (EW) Hải quân Mỹ bay song song với một máy bay EW của Trung Quốc trong vùng nhận dạng phòng không Đài Loan (ADIZ).

Máy bay tác chiến điện tử của Mỹ và Trung Quốc bay gần nhau trong bối cảnh Quân đội Trung Quốc công bố chuẩn bị cuộc diễn tập trận nhằm đáp trả động thái một cụm tàu sân bay tấn công Mỹ hoạt động trên Biển Đông. Diễn biến này cho thấy những mâu thuẫn quân sự từ thời Donald Trump sẽ tiếp tục gia tăng căng thẳng trong nhiệm kỳ của Joe Biden.

Một chiếc EP-3E Hải quân Mỹ và một chiếc Y-8G của Trung Quốc, đều là máy bay tác chiến điện tử EW, bay song song ngược hướng nhau trong vùng nhận dạng phòng không phía nam Đài Loan, hãng theo dõi hàng không quốc tế Aircraft Spots thông báo.

Hai máy bay tác chiến điện tử EW Trung Quốc, Mỹ trong vùng nhận dạng phòng không Đài Loan

Hai máy bay tác chiến điện tử EW Trung Quốc, Mỹ trong vùng nhận dạng phòng không Đài Loan

Cùng ngày, cơ quan an ninh hàng hải Trung Quốc thông báo, cuộc diễn tập quân sự sẽ diễn ra trên vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu, phía nam tỉnh Quảng Đông từ ngày 27 đến 30/1.

Trung Quốc không cung cấp thông tin chi tiết về cuộc diễn tập, nhưng đưa ra thông báo này khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đi sát bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.

Một nguồn tin từ quân đội Trung Quốc - yêu cầu giấu tên vì không được phép nói chuyện với truyền thông - cho biết Trung Quốc theo dõi chặt chẽ hoạt động của cụm tàu sân bay tấn công Roosevelt, đồng thời tiến hành các động khái răn đe  phản công vào ngày cụm chiến hạm Hải quân Mỹ này tiến vào vùng biển này.

Nguồn tin nói: “Mỹ đã tiến hành một hoạt động quân sự lớn gần Đài Loan và Quân đội phải cho Washington biết, Trung Quốc đã sẵn sàng”.

Theo thông báo của Hạm đội 7 Mỹ, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đi vào Biển Đông ngày 23/1 qua Kênh Bashi giữa Philippines và Đài Loan để đảm bảo “quyền tự do trên biển” và “xây dựng quan hệ đối tác, tăng cường an ninh hàng hải”. Đây là hoạt động quân sự cứng rắn đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống Mỹ.

Đối kháng trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng trong nhiệm kỳ Joe Biden ảnh 2

Tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông qua Kênh Bashi giữa Philippines và Đài Loan

Theo tuyên bố của Hạm đội 7 Mỹ, tàu sân bay Theodore Roosevelt do tàu tuần dương tên lửa có điều khiển USS Bunker Hill và hai khu trục hạm tên lửa USS Russell và USS John Finn hộ tống.

Tổ chức Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông, một nhóm tư vấn ở Bắc Kinh cho biết, 7 máy bay chiến đấu của Mỹ thực hiện bay tuần tiễu dọc tuyến đường cơ động của Theodore Roosevelt trong ngày. Đây cũng là hoạt động quy mô lớn hiếm hoi trong nhiều năm của Không quân Hải quân Mỹ. Bảy máy bay chiến đấu bao gồm 4 máy bay tuần tra chống ngầm đa nhiệm P-8A, một máy bay trinh sát và tác chiến điện tử EP-3E, một máy bay cảnh báo sớm chiến thuật trong mọi thời tiết E-2C và một máy bay vận tải C-2A.

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan: Trung Quốc cũng điều động 13 máy bay chiến đấu đến cực nam eo biển Đài Loan, bao gồm một máy bay vận tải Y-8, 8 máy bay ném bom H-6K và bốn máy bay tiêm kích J-16. Ngày 22/1, Trung Quốc chỉ cho một máy bay tác chiến điện tử Y-9 tuần tra cùng khu vực. Sự xuất hiện một số lượng lớn các máy bay chiến đấu khiến các nhà bình luận quân sự lo ngại về một cuộc xung đột không chủ ý sẽ khiến các nước lớn lao vào một cuộc đụng độ ngẫu nhiên.

Collin Koh, nhà nghiên cứu từ Trường S. Rajaratnam thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Singapore cho biết: “Những gì chúng ta thấy ở đây là sự cố chấp và đối kháng khi Bắc Kinh thăm dò và thử thách chính quyền Biden, đánh giá những giới hạn có thể tiến tới ở những điểm nóng trong khu vực”.

 “Vấn đề là nguy cơ xảy ra các sự cố va chạm vô tình, liên quan đến những lực lượng đối kháng ở Biển Đông. Nguy cơ xảy ra một cuộc giao tranh từ các tương tác chiến thuật rất đáng kể ”.

Koh cho biết, những chính quyền mới của Mỹ đôi khi phải đối mặt với các vấn đề Biển Đông trong giai đoạn đầu cầm quyền, ví dụ như cuộc đụng độ của máy bay chiến đấu Mỹ - Trung ba tháng sau khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của George W. Bush, khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng.

Liu Weidong, chuyên gia về các vấn đề Mỹ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng việc hai bên sẽ hiểu biết lẫn nhau trong một thời gian ngắn là không thực tế.

“Biden chủ yếu tập trung vào các vấn đề nội bộ của Mỹ” - ông Liu nói. “Ông ấy có thể sẽ không mạnh mẽ hơn về những vấn đề quân sự so với (người tiền nhiệm) Trump, nhưng chắc chắn cũng không mềm mỏng hơn. Cả hai quân đội cần phải duy trì lập trường vững chắc, để lại ít dư địa để cải thiện quan hệ trong nhiệm kỳ tổng thống mới”.

Biển Đông đã và đang trở thành tâm điểm trong mối quan hệ gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, ngay cả trong nhiệm kỳ mới của tân tổng thống, sau một cuộc bầu cử đầy sóng gió.

Theo TGO
back to top