Tuyên bố này được đưa ra sau khi Trung Quốc thực hiện các cuộc diễn tập với hơn 100 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom 3 ngày liên tiếp trong vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Đài Loan.
Bộ ngoại giao Mỹ gọi các động thái này là "gây mất ổn định" và nhắc lại cam kết "vững chắc" đối với Đài Loan.
Đài Loan đã thông báo về 5 vụ xâm nhập vào khu vực ADIZ của hòn đảo này từ ngày 1/10.
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, nhưng Đài Bắc tự coi là một quốc gia có chủ quyền, và thường xuyên lên án các hoạt động của lực lượng không quân Trung Quốc gần hòn đảo.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói:
“Mỹ rất lo ngại về hoạt động khiêu khích quân sự khiêu khích của CHND Trung Hoa gần Đài Loan, gây mất ổn định, có nguy cơ sai lầm dẫn đến phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực. Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây áp lực và cưỡng bức bằng quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan”.
Ngày 1/10, Bắc Kinh kỷ niệm ngày Quốc khánh với động thái phô trương sức mạnh trên không lớn nhất chống Đài Loan cho đến nay, tiếp cận hòn đảo này với một phi đoàn 38 máy bay chiến đấu, trong đó có H-6 máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Đài Loan cho biết, ngày 2/10, không quân Trung Quốc hoạt động trong vùng ADIZ Đài Loan với 39 máy bay, 3/10 là phi đoàn với 16 máy bay chiến đấu, cáo buộc Bắc Kinh “uy hiếp” và “hủy hoại hòa bình khu vực”.
16 máy bay PLA (8 J-16, 4 SU-30, 2 Y-8 ASW và 2 KJ-500 AEW & C) tiến vào ADIZ phía tây nam Đài Loan ngày 3/10/ 2021.
Thủ tướng Đài Loan Tô Trịnh Xương nói: “Rõ ràng là thế giới, cộng đồng quốc tế, ngày càng bác bỏ những hành vi như vậy của Trung Quốc”.
Ngày 4/10, một phái đoàn của Thượng viện Pháp, dẫn đầu là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Alain Richard, đã đến thăm Đài Loan.
Trung Quốc nhiều lần phản đối chuyến viếng thăm này, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp nói rằng, động thái này sẽ “phá vỡ một cách không cần thiết” mối quan hệ giữa hai nước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 30/9 cho biết, Bắc Kinh “kiên quyết phản đối” bất kỳ cuộc trao đổi hoặc tiếp xúc chính thức nào giữa các thượng nghị sĩ Pháp và chính quyền ở Đài Loan vì đây là lãnh thổ của Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) cảnh báo hòn đảo đang chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc. Và kêu gọi Úc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác an ninh khi Bắc Kinh tăng cường các hoạt động đe dọa quân sự.
Ông Wu nói: “Việc bảo vệ Đài Loan nằm trong tay chúng tôi, và chúng tôi hoàn toàn cam kết với điều đó.
“Nếu Trung Quốc phát động cuộc chiến chống lại Đài Loan, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, và đó là cam kết của chúng tôi. Tôi tin tưởng rằng nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công vào Đài Loan, họ sẽ bị tổn thất nặng nề”.
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan tin rằng các quốc gia cùng hệ tư tưởng như Úc giờ đây cần hỗ trợ bằng cách phát triển các mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn.
Ông Wu nói: “Chúng tôi muốn tham gia vào các cuộc trao đổi an ninh hoặc tình báo với các đối tác cùng hệ tư tưởng khác, bao gồm cả Úc, từ đó Đài Loan có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với chiến tranh. Cho đến nay, quan hệ của Đài Loan với Úc (đang) rất tốt và chúng tôi đánh giá cao điều này”.
Đài Bắc cũng hoan nghênh việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược AUKUS gần đây giữa Úc, Vương quốc Anh và Mỹ, cũng như hoạt động phối hợp càng tăng giữa các đồng minh Quad, Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản.
“Chúng tôi vui mừng nhận thấy rằng các đối tác cùng hệ tư tưởng của Đài Loan – Mỹ, Anh và Úc - đang làm việc chặt chẽ hơn để có được năng lực quốc phòng tiên tiến, có thể bảo vệ an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Úc là một đất nước tuyệt vời và tôi rất vui khi thấy rằng Australia sẽ gánh vác nhiều trách nhiệm hơn để duy trì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Ngoại trưởng Đài Loan nhấn mạnh, không giống như Úc, hòn đảo sẽ không cố mua tàu ngầm năng lượng hạt nhân, bởi vì nước này có “chiến lược chiến tranh khác”.
Ông nói: “Chúng ta cần phải đi theo hướng phi đối xứng, chúng ta cần có một học thuyết khác để đánh bại Trung Quốc nếu xảy ra chiến tranh - tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân không phải là vũ khí mà chúng ta tìm kiếm”.