Hu Bo, Giám đốc tổ chức Sáng kiến Theo dõi Chiến lược Biển Đông (South China Sea Strategic Probing Initiative) tại Đại học Bắc Kinh cho biết, năm 2021, Mỹ đã thực hiện 1.200 sứ mệnh giám sát bằng máy bay trinh sát quy mô lớn - tăng hơn so với 1.000 lần xuất kích năm 2020, với một số lần tiếp cận cách đường cơ sở lãnh hải 20 hải lý mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Mỹ cũng đã đưa các cụm hải quân tấn công tàu sân bay và các nhóm hải quân đổ bộ tấn công vào Biển Đông 13 lần - gấp đôi số lượng các động thái tương tự vào năm 2020.
Khoảng 11 lần tàu ngầm hạt nhân tấn công đã đến Biển Đông, Biển Hoa Đông và các vùng lân cận.
Theo ông Hu, Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở thành nguy cơ bất ổn lớn nhất đối với an ninh Biển Đông. Hai quốc gia có nhiều cơ sở đối thoại nhất nhưng cũng đang đối mặt với nguy cơ đối đầu nghiêm trọng nhất”.
Không quốc gia nào có ý định kích hoạt một cuộc chiến tranh, nhưng nguy cơ va chạm không chủ ý gây ra bởi sự hiện diện quân sự ngày càng tăng trên vùng biển tranh chấp là một vấn đề đáng lo ngại.
“Có một số cuộc va chạm trên biển và trên không giữa hai bên ở Biển Đông mỗi ngày. Bất kỳ một xử lý không chính xác hoặc tai nạn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” - ông nói.
Tháng 11, nhóm nghiên cứu cho biết, máy bay Mỹ thực hiện 94 phi vụ do thám trên Biển Đông vào tháng 11, Boeing P-8 Poseidon, máy bay trinh sát chống tàu ngầm chiếm 80% các hoạt động.
Ngày 4/11, Mỹ điều 10 máy bay tới Biển Đông, cùng thời điểm cụm Hải quân tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đi qua vùng nước này. Bắc Kinh liên tục phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ, đồng thời cũng thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập không quân và hải quân.
Zhou Bo, sĩ quan cao cấp PLA nghỉ hưu, cựu giám đốc văn phòng hợp tác quân sự quốc tế của Bắc Kinh nói rõ, nguy cơ xảy ra va chạm giữa hải quân Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông đang gia tăng nguy hiểm.
Các cơ chế hiện có, các văn bản không ràng buộc, ký kết năm 2014 về những quy tắc điều chỉnh hành vi đối với các cuộc va chạm trên không và trên biển có thể không hữu ích trong các tình huống thực tế. Điều đó khiến Trung Quốc thường tiến hành các cuộc diễn tập để đảm bảo chiến hạm các bên "Duy trì khoảng cách an toàn".
Ông Hu cảnh báo, các quốc gia khác cũng đang tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông, nhấn mạnh khu trục hạm Bayern của Đức đã hoạt động trên Biển Đông đầu tháng 12. Phó Đô đốc Hải quân Đức Kay-Achim Schonbach cho biết, Đức dự kiến sẽ tiến hành thêm các đợt triển khai quân sự ở châu Á.
“Trong năm 2022, Mỹ là quốc gia duy nhất có khả năng gây ra mối đe dọa quân sự lớn đối với Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc phải theo dõi sát sao và sẵn sàng đối phó với mọi hành động của Mỹ đồng thời cảnh giác với những động thái của các nước khác” - ông Hu nói.