Ăn cơm nguội để qua đêm có tốt cho sức khỏe?

Nhiều người có thói quen ăn cơm nguội để qua đêm vì tiện lợi và tiết kiệm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu ăn cơm nguội để qua đêm có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Cơm nguội có hàm lượng tinh bột kháng cao hơn cơm nóng. Và loại tinh bột kháng này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Thực tế nhiều người được khuyên nên hạn chế ăn cơm bởi chúng có thể gây tiểu đường, nhưng tinh bột kháng trong cơm nguội khi được tiêu thụ đúng lượng sẽ làm chậm quá trình tiêu hoá, giảm lượng đường trong máu. Chưa kể ăn cơm giúp no lâu, giàu vitamin B tốt cho não bộ và hệ miễn dịch.

Ăn cơm nguội để qua đêm có tốt cho sức khỏe?. Ảnh minh họa

Ăn cơm nguội để qua đêm có tốt cho sức khỏe?. Ảnh minh họa

Có nên ăn cơm để qua đêm không?

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng hâm nóng cơm nguội hoặc ăn cơm nguội không gây hại đến sức khỏe. Thế nhưng nếu không bảo quản đúng cách cơm nguội sẽ dẫn đến hỏng cơm trước khi hâm nóng dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Nguyên nhân là gạo có chứa Bacillus cereus, vi khuẩn gây nên ngộ độc thực phẩm. Trong quá trình nấu cơm, nhiệt lượng không thể diệt trừ được hết các bào tử này. Nếu bạn bảo quản cơm nguội trong nhiệt độ phòng bình thường như các vi khuẩn và bào tử này sẽ phát triển, sinh sôi ra các chất độc gây nên tiêu chảy và nôn. Kể cả khi bạn rang cơm hoặc hâm nóng thì các độc tố này vẫn không thể bị loại bỏ.

Để đảm bảo an toàn, những đối tượng không khuyến khích thường xuyên dùng cơm nguội qua đêm là trẻ em, người già, phụ nữ mang thai. Bởi hệ miễn dịch cũng như hệ tiêu hoá của họ dễ bị tấn công bởi vi khuẩn và rất nguy hiểm khi chẳng may bị ngộ độc. Tốt nhất với nhóm người này hãy dùng cơm được nấu trong ngày.

Cách bảo quản cơm qua đêm an toàn

Việc bảo quản cơm nguội không tốt sẽ khiến bạn dễ bị ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hoá. Nếu ăn phải cơm nguội nhiễm khuẩn bạn có thể bị buồn nôn, sốt, đau bụng, tiêu chảy thậm chí phân có lẫn máu. Vậy phải bảo quản cơm qua đêm ra sao?

Thực tế khi cơm được nấu chín, chỉ nên lưu trữ cơm thừa trong khoảng thời gian nhất định. Với cơm để ở nhiệt độ phòng thì bảo quản không quá 2 giờ nếu thời tiết nóng, có thể bảo quản cơm ở tủ lạnh từ 3 đến 4 ngày và giữ lâu hơn ở tủ đông từ 3 đến 4 tháng.

Nên chia cơm nguội ra thành các phần vừa ăn, cho vào hộp có đậy nắp hay túi zip kín và đưa vào tủ lạnh. Trước bữa ăn nên bỏ hộp cơm rã đông và hâm nóng lại bằng lò vi sóng. Tuy nhiên nếu ăn thừa cơm vừa được hâm nóng thì không được bảo quản lần hai vì cơm sẽ bắt đầu bị hồ hoá, mất chất dinh dưỡng và gây hại cho hệ tiêu hoá.

Cách bảo quản cơm qua đêm an toàn nhất là cho chúng vào tủ cấp đông. Ngoài ra hãy đảm bảo hộp hay túi zip sạch và kín để không bị các thức ăn khác dính vào. Lúc hâm nóng lại cơm, kiểm tra xem cơm có mùi lạ không, có bị bết dính hay không. Nếu cơm quá khô, cứng thì cũng không nên giữ lại dùng vì chất lượng và hương vị của chúng đã giảm đi.

Về việc hâm nóng cơm, có thể cân nhắc dùng nồi cơm điện hoặc dùng lò vi sóng. Những ai đang muốn tiết kiệm thời gian thì nên áp dụng việc bảo quản cơm như trên. Thực tế nếu có thời gian, hãy ưu tiên nấu cơm mới hằng ngày để ăn ngon miệng hơn và tốt cho sức khoẻ hơn.

Theo Đời sống
back to top