Hỏi: Vì sao trong rượu có methanol, do người ta cho vào hay nó là thành phần tự nhiên khi chưng cất?
Hoàng Mạnh Hà (Hà Nội)
ThS Lê Trọng Văn, Viện Kỹ thuật Hóa sinh và Tài liệu Nghiệp vụ, Bộ Công an: Trong quá trình lên men rượu từ tinh bột bằng nấm men, ngoài sản phẩm chính là ethanol, cũng có một lượng methanol và aldehyd được hình thành như một sản phẩm song hành. Tùy quy trình lên men và quy trình cất rượu cụ thể mà hàm lượng 2 chất này trong sản phẩm rượu có khác nhau. Do vậy trong kỹ thuật sản xuất rượu, các nhà máy nhất thiết phải lựa chọn quy trình lên men phù hợp và sau khi cất phải có quá trình xử lý loại bỏ lượng methanol và aldehyde trong sản phẩm. Nhưng trên thị trường có nhiều sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn này, hàm lượng methanlol vẫn rất cao.
Methanol (rượu methyl) là loại rượu có một nguyên tử các bon, có công thức hóa học CH3OH, không màu, dễ cháy, dễ tan trong nước. Methanol thường được sản xuất và sử dụng trong công nghiệp để làm dung môi, nhiên liệu chạy động cơ (diesel sinh học). Methanol trong công nghiệp được sản xuất từ quy trình lên men gỗ, bã mía…
Rượu có hàm lượng methanol cao sẽ gây độc cho người. Ngộ độc cấp thường có biểu hiện đau đầu, mệt, buồn nôn, giảm thị lực, nặng hơn sẽ bị mù, co giật, giãn đồng tử, suy sụp tuần hoàn, suy hô hấp rồi tử vong. Chất này còn gây ngộ độc mạn tính làm giảm thị lực. Thực tế là nhiều trường hợp đã bị ngộ độc methanol khi uống rượu.
Hiện các sản phẩm kit thử methanol trong rượu khá phổ biến và dễ sử dụng. Tùy nồng độ methanol có trong mẫu rượu kết quả cho phản ứng màu xanh tím đậm, nhạt khác nhau. Aldehyt và một số phụ gia như chất tạo ngọt, nhũ hóa, hương liệu có thể cho kết quả dương tính giả. Dịp Tết sắp đến, người tiêu dùng phải rất cẩn trọng khi sử dụng các sản phẩm từ rượu, tránh rước bệnh vào người do uống phải rượu chứa nhiều methanol.