Năm 2018 vừa qua, tôi có dịp du lịch cùng công ty và đây cũng là lần tôi quay lại Singapore sau đúng 10 năm. Lần này đi với tôi còn có con gái. Mong muốn của hai mẹ con là sẽ trở lại ngôi nhà cũ, nơi tôi từng ở đó hơn hai tháng. Tiếc là giờ cuối không liên lạc được với chủ nhà nên việc riêng đành gác lại.
Tối đó, cả đoàn chúng tôi đi ăn món cháo ếch - một món ăn truyền thống của người Singapore. Ăn món cháo ếch nổi tiếng ngay tại xứ sở của nó, nhưng tôi mãi nhớ về những tô cháo hành dân dã của Việt Nam mà tôi đã từng nấu, từng ăn gần như mỗi ngày cùng ông xã ngay trên đất nước này.
Lòng tôi xốn xang khi bao kỷ niệm ùa về. Ngày đó, chồng tôi bệnh nặng, phải sang đây chữa trị. Tôi đã tạm gác việc công ty, việc gia đình, một thân một mình đưa anh đi chữa bệnh dù không biết trước mắt mình có bao nhiêu khó khăn đang chờ đón. Bấy lâu tôi vẫn khiêm tốn bên cạnh anh trong mọi chuyện, nay bỗng trở thành chỗ dựa cho anh trong quãng thời gian chữa bệnh nơi đất khách quê người.
Việc điều trị khá suôn sẻ, nhưng những ngày vô thuốc, anh vật vã khó chịu, nói thèm món ăn Việt. Lúc đó nghĩ ngay đến tô cháo hành, món ăn mà mẹ thường nấu cho tôi mỗi khi bị cảm. May mắn là nguyên liệu tìm mua không khó. Lúc đầu anh chỉ ăn được từng ngụm nhỏ, rồi từ từ nhiều hơn và tăng dần.
Món cháo hành dân dã, chắc có lẽ chỉ của riêng người Việt mình, nhưng vô cùng "thần diệu". Ăn vào dễ chịu, dễ tiêu, ấm lòng, xua tan cảm giác mệt mỏi, quan trọng hơn là đỡ nhớ nhà, nhớ món ăn Việt. Tôi nói đùa với anh rằng, những ngày tới, em sẽ là Thị Nở của anh dài dài. Chồng tôi xúc động đáp, anh không phải là Chí Phèo nhưng lại cảm được niềm hạnh phúc của anh Chí khi đón nhận tô cháo hành của em Nở!
Nhờ có tô cháo hành "thần diệu" mà sức khỏe của anh khá lên từng ngày. Những lúc nhìn anh xì xụp, hít hà ăn ngon lành cả tô cháo, tôi thầm cảm ơn mẹ đã truyền dạy cho tôi bí kíp nấu món ngon.
Tô cháo hành mà tôi nấu là "công thức" của bà ngoại truyền cho mẹ, mẹ truyền cho tôi. Còn nhớ, thời chiến tranh khốc liệt, khó khăn vất vả khôn lường, mẹ tôi phải lo cho đại gia đình đông người. Chỉ mỗi khi bị cảm, tôi mới có dịp gần gũi mẹ nhiều hơn, được mẹ chăm sóc kỹ hơn.
Tô cháo hành chuẩn vị của mẹ, tôi luôn nhớ kỹ: có gạo nấu thành cháo, có trứng gà, có thêm ít thịt bằm, các loại gia vị không thể thiếu như tiêu, gừng và đặc biệt là hành lá. Nhất định phải có hành lá thiệt là nhiều, thế mới gọi là cháo hành, mẹ tôi luôn nói vậy.
Nhà ở quê không có sẵn thịt, nhưng trứng gà thì lúc nào cũng có. Mỗi khi bị cảm sốt, nằm thiu thiu trong buồng nghe tiếng con gà mái sau hè "é” lên một tiếng là biết mẹ đang lấy trứng gà để nấu món cháo hành. Rất lạ lùng, mỗi khi như vậy, dù đau đầu, mệt mỏi ê ẩm cả người, nhưng tôi vô cùng thích cái cảm giác được mẹ ngồi bên mép gường, một tay bưng tô cháo hành nóng hổi, một tay đút từng muỗng cháo cho tôi. Sao mà chan chứa yêu thương, ấm lòng trong từng ngụm cháo!
Đến khi trưởng thành, rồi lập gia đình, tôi lại là người nấu cháo hành cho những người thân yêu mỗi khi có ai đó bị cảm do trái gió trở trời. Bắt chước mẹ, tôi cũng nêm vào tô cháo hành một chút yêu thương, với hy vọng có như thế nó mới phát huy được sự thần diệu!
Mà đúng như vậy thật. Khi con trai tôi ra nước ngoài học, một lần nó gọi về bảo tôi hướng dẫn cách nấu cháo hành. "Ở bên này, người ta bán đủ món ăn Việt Nam, phải nói là không thiếu thứ gì. Nhưng con vẫn không thể nào tìm được món cháo hành mà mẹ đã nấu cho con hồi ở nhà!". Đọc dòng tin nhắn của con mắt tôi cay cay. Đúng cái vị cay của tô cháo hành thì phải, cay mà thích, cay mà mát lòng mát dạ!
Con trai tôi dù đang sống ở một đất nước hiện đại vẫn không quên món ăn bình dân của mẹ nơi quê nhà. Nghĩa là nó vẫn luôn nhớ tới mẹ, nhớ về quê hương, nhớ về cội nguồn.
Thời hiện đại bây giờ, ai ai cũng bận rộn, liệu tô cháo hành đầy ắp yêu thương - một món ăn dân dã nhưng chất chứa bao nhiêu tình cảm trong mỗi gia đình Việt có bị thất truyền? Tôi hy vọng là không, bởi đó là một nét tinh hoa ẩm thực.