Theo truyền thông địa phương, một phụ nữ 30 tuổi ở Chiết Giang, Trung Quốc đã mang thai lần thứ hai. Ban đầu, cô xuất hiện triệu chứng ra máu âm đạo nhẹ và được chẩn đoán là hiện tượng "dọa sảy thai". Sau khi điều trị giữ thai tại bệnh viện, cô tự tin vì đã có kinh nghiệm sinh con trước đó nên quyết định không thực hiện thêm bất kỳ buổi khám thai nào.
Tuy nhiên, trong suốt thai kỳ, bụng của người phụ nữ không lớn lên thêm bao nhiêu. Đến tháng thứ 8, nhận thấy tình trạng bất thường, người phụ nữ mới đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả siêu âm cho thấy cô không còn mang thai, thay vào đó là dấu hiệu của biến chứng trong tử cung.
Ảnh minh họa. |
Vì ca bệnh phức tạp, cô được chuyển đến Khoa Phụ sản Bệnh viện Đồng Đức, tỉnh Chiết Giang, để bác sĩ Lữ Văn - chuyên gia đầu ngành xử lý. Qua kiểm tra chuyên sâu, bác sĩ Lữ chẩn đoán cô đã bị lưu thai (missed abortion), hay còn gọi là thai chết lưu.
Theo bác sĩ Lữ, thai lưu là tình trạng phôi hoặc thai nhi chết nhưng không được đào thải tự nhiên ra khỏi tử cung. Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng ốm nghén biến mất còn nếu đã vào giai đoạn giữa thai kỳ, bụng của thai phụ sẽ không phát triển và không còn cảm nhận thai máy.
Thông thường, trường hợp này có thể xử lý bằng cách nạo buồng tử cung. Tuy nhiên, do thai chết lưu quá lâu, người phụ nữ này đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, dính buồng tử cung, thủng tử cung, xuất huyết nặng.
Đối với trường hợp này, bác sĩ Lữ quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi buồng tử cung để loại bỏ phần mô thai đã vôi hóa và dính chặt vào thành tử cung. Phương pháp này giúp giảm tối đa tổn thương và nguy cơ dính buồng tử cung. Rất may, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công.
Qua trường hợp này, bác sĩ nhấn mạnh rằng khám thai định kỳ là yếu tố không thể thiếu trong mọi thai kỳ. Việc này giúp phát hiện sớm các bất thường, đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và con.
Sự chủ quan và thiếu hiểu biết đã khiến người phụ nữ trải qua những biến chứng không đáng có, nhưng may mắn thay cô đã được điều trị kịp thời để bảo toàn sức khỏe.