Ngày Tết bà Nguyễn Thị Dung (Hoàng Mai, Hà Nội) mua hai cây giò về ăn. Đến mồng 10 Tết, trong tủ lạnh còn một nửa cây giò sót lại nhưng có mùi chua. Tiếc của mấy trăm nghìn đồng/ kg mua dịp Tết, bà bèn cắt phần ngoài bỏ đi để ăn phần trong.
Không ngờ ăn xong, bà bị tiêu chảy, hạ huyết áp, sa sẩm mặt mày, các con phải cấp tốc mua thuốc cho uống. Các con lục tủ lạnh, lôi ra nhiều thức ăn dở được bà bọc lại để bỏ đi.
Lời bàn: Thói quen xấu tiếc của, tận dụng thức ăn thừa, sót lại sau Tết không chỉ của bà Dung mà nhiều người đang áp dụng. Nhất là quan niệm chỉ hư hỏng phần ngoài, cắt bỏ đi là phần trong ruột an toàn.
Nhưng thực tế, sau thời gian dài, thực phẩm không chỉ bị nấm mốc, lên men trên bề mặt, là phần có thể dễ dàng nhận biết. Mà phía sâu bên trong, vi khuẩn cũng đã xâm nhập làm thay đổi chất, các nấm mốc ủ trong đó.
Khi ăn vào, không chỉ gây ngộ độc mà còn tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nặng nề hơn. Do đó, hãy loại bỏ các thực phẩm có dấu hiệu bị hư hỏng, để lâu ngày. Tạo thói quen không tiếc của để phải rước thêm bệnh, lo uống thuốc.
BS Nguyễn Văn Tuấn, nguyên cán bộ Bệnh viện Bạch Mai.