Hỏi: Tôi nghe nói có những loài rùa quý hiếm trong danh mục nguy cấp vẫn được rao bán, xin hỏi có cách nào phát hiện đó là rùa quý không?
Cao Tùng Giang (Thanh Hóa)
PGS.TS Hà Đình Đức, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: Đúng là có tình trạng trong số các loài rùa đang được bán tràn lan trên mạng xã hội có cả những loài động vật xâm hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Ví dụ như rùa tai đỏ là loài du nhập vào Việt Nam từ rất lâu. Nó có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Vì rùa tai đỏ có hình dáng nhỏ xinh nên được mọi người mua làm sinh vật cảnh. Tuy nhiên, loại rùa này khi sinh sản quá nhiều sẽ tràn ra môi trường. Nó sẽ ăn thức ăn của những loài động vật khác. Đây là động vật xâm hại. làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, rùa tai đỏ nằm trong Danh mục loài ngoại lai xâm hại theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển loài ngoại lai xâm hại như rùa tai đỏ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền lên đến 10 triệu đồng.
Còn các loại như rùa núi vàng, rùa núi viền rùa đất lớn... nằm trong Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, thuộc nhóm IIB theo nghị định 06/2019/NĐ-CP. Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng thuộc nhóm này trái quy định pháp luật có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 - 400.000.000đ, tuỳ theo giá trị. Việc phân biệt đó có phải là loài ngoại lai hay là loài nguy cấp hay không rất đơn giản. Chỉ cần gõ tên loài rùa lên mạng tra cứu là biết ngay các thông tin loài. Việc nhân nuôi các loài quý hiếm, nguy cấp rất nguy hại cho môi trường sinh thái, tuyệt đối không nên thực hiện các giao dịch mua bán rùa trên mạng. Việc cho rằng nuôi rùa quý hiếm trong nhà sẽ có nhiều tài lộc cũng rất sai lầm, không có cơ sở và sẽ bị xử phạt nặng nếu bị phát hiện.