Có thể còn nhiều cá thể rùa Hoàn Kiếm
Ông Nguyễn Văn Trọng, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á cho biết, vào ngày 20/8/2020, các cán bộ thực địa của ATP đã chụp lại khoảnh khắc 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm cùng nổi lên tại một địa điểm. Hình ảnh này cung cấp thêm bằng chứng vững chắc cho thấy, có ít nhất 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm sống tại hồ Đồng Mô, Hà Nội – nơi từng được coi là vương quốc của loài rùa Hoàn Kiếm trước khi bị săn bắt đến cạn kiệt. Tuy nhiên, để có thể khẳng định chắc chắn việc tìm ra cá thể rùa Hoàn Kiếm thứ ba ở Việt Nam và là cá thể rùa Hoàn Kiếm thứ 4 còn tồn tại trên thế giới cần tiến hành thêm các nghiên cứu chuyên sâu để xác định danh tính của cá thể rùa mới này.
“Qua các dữ liệu bẫy ảnh thu thập được, chúng tôi khẳng định tại hồ Đồng Mô vẫn còn tồn tại nhiều hơn 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm. Điều này cho phép chúng ta hy vọng môi trường hồ Đồng Mô là nơi phù hợp để sinh sống, thậm chí có thể là sinh sản của loài rùa hiếm có, đặc hữu này”, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết.
Ông Hoàng Văn Hà, cán bộ ATP cho biết, hồ Đồng Mô là địa điểm ghi nhận cá thể rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) hoang dã đầu tiên trên thế giới vào năm 2007. Các ngư dân ở hồ Đồng Mô từ lâu đã khẳng định có một cá thể thứ hai nhỏ hơn đang sống trong hồ. Tuy vậy để khẳng định chắc chắn thì cần chụp thêm các bức ảnh độ nét rõ hơn hoặc tiến hành bắt cá thể để khẳng định loài. Qua quan sát trên thực tế và ảnh chụp thì các chuyên gia nhận định cá thể rùa thứ hai mới phát hiện này chính là rùa Hoàn Kiếm, loài rùa tưởng như bị tuyệt chủng.
Mở ra cơ hội nhân nuôi
Trên thế giới hiện nay ghi nhận chính thức 3 cá thể rùa Hoàn Kiếm gồm một cá thể đực sống tại vườn thú Tô Châu, Trung Quốc và 2 cá thể rùa của Việt Nam (một cá thể ở Xuân Khanh, một cá thể ở hồ Đồng Mô). Cá thể rùa Hoàn Kiếm giống cái ở Trung Quốc chết vào năm 2018, vào thời điểm đó, khả năng nhân nuôi rùa Hoàn Kiếm gần như không thể. Theo ông Hoàng Văn Hà, để xác định chính xác về khả năng nhân nuôi rùa Hoàn Kiếm phải xác định được giới tính của các cá thể rùa hiện nay, nhưng do chưa thể tiếp cận trực tiếp nên chưa xác định được giới tính của chúng.
Theo các chuyên gia, Hà Nội cần nhanh chóng triển khai kế hoạch trên để bảo vệ và khôi phục quần thể rùa Hoàn Kiếm. Ngoài ra cần huy động nguồn lực để tìm kiếm thêm các cá thể rùa Hoàn Kiếm ở ngoài tự nhiên. Việc xác định chính xác về loài, kế hoạch bảo tồn, nhân nuôi… cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
UBND TP Hà Nội trước đó đã ban hành Kế hoạch Bảo tồn các cá thểrùa Hoàn Kiếm tại các hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030 với mục tiêu lâu dài là ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng rùa Hoàn Kiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong kế hoạch có đề xuất việc nghiên cứu xây dựng cơ sở bảo tồn rùa Hoàn Kiếm đồng thời xác minh số lượng cá thể, giới tính rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản. Ghép đôi sinh sản là điều kiện căn bản để bảo tồn loài.