Nhà thơ thời Đường, Đỗ Mục, trong bài phú "A Phòng Cung" đã miêu tả cung A Phòng với vẻ tráng lệ, hùng vĩ và khí thế oai nghiêm. Ông cũng kể rằng Hạng Vũ chính là người đã thiêu rụi cung điện này, khiến nó biến mất khỏi dòng chảy lịch sử. Quan niệm này được dân gian tin tưởng và truyền tụng qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, Phó giáo sư Lý Khải thuộc Học viện Lịch sử Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết, cung A Phòng không những chưa từng bị thiêu hủy mà thực chất chỉ là một "công trình dang dở" với nền móng và những bức tường chưa hoàn thiện.
Ảnh minh họa. |
Nỗi oan của Hạng Vũ
Lý Khải chỉ ra rằng từ năm 2002 đến 2007, Viện Bảo tồn Di sản Văn hóa Tây An tỉnh Thiểm Tây và Viện Khảo cổ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã phối hợp thành lập Đội khảo cổ cung A Phòng. Nhóm này đã tiến hành thăm dò kỹ lưỡng tại di chỉ cung A Phòng nhưng không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của tro tàn hay hỏa hoạn. Ngược lại, tại di chỉ cung Hàm Dương, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu tích của sự cháy rụi, chứng thực ghi chép trong "Sử ký Tư Mã Thiên" là thật.
Theo "Sử ký Tư Mã Thiên", cung điện bị Hạng Vũ thiêu hủy thực chất là cung Hàm Dương. Khi đó, Tần Tam Thế (vị vua cuối cùng của nhà Tần) đã đầu hàng Hán Cao Tổ Lưu Bang. Một tướng lĩnh từng đề xuất xử tử Tần Tam Thế nhưng Lưu Bang từ chối và giao ông cho quan lại áp giải. Tuy nhiên, sau khi Sở bá vương Hạng Vũ tiến vào Hàm Dương, ông không chỉ giết Tần Tam Thế mà còn phóng hỏa đốt toàn bộ cung điện nhà Tần. Cung bị thiêu hủy là cung Hàm Dương chứ không phải cung A Phòng như dân gian vẫn truyền tụng.
Cung A Phòng – công trình chưa hoàn thiện
Lý Khải nhấn mạnh rằng cung A Phòng thực chất không phải là một cung điện hoàn chỉnh và nguy nga, thậm chí chỉ là một "công trình dang dở". Việc xây dựng cung điện này bắt đầu vào năm 213 TCN, nhưng đến năm 209 TCN, khởi nghĩa Trần Thắng – Ngô Quảng đã nổ ra, đến năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng lại qua đời. Khi đó, Tần Tam Thế phải điều động nguồn nhân lực khổng lồ vừa để xây dựng lăng mộ của Tần Thủy Hoàng vừa để ứng phó với các cuộc khởi nghĩa. Nhà Tần khi đó rơi vào tình trạng kiệt quệ cả về nhân lực lẫn vật lực, không còn khả năng tiếp tục hoàn thiện cung A Phòng. Cuối cùng, công trình chỉ dừng lại ở nền móng đất nện và những bức tường dang dở.