Nụ cười của cô gái 18 năm lấy bệnh viện làm nhà

Một mình lui cui trong phòng 711, khoa Nội huyết học, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng những ngày tết. Đây đã là cái tết thứ 18 chị ở bệnh viện. Vẫn nụ cười tươi, chưa bao giờ chị ngừng chiến đấu với bệnh tật.

18 năm qua, Ý vẫn giữ nụ cười này để làm hành trang trong cuộc chiến của mình và không ca thán cuộc đời bất hạnh.

“Người ta nói tôi đơn đấu là đau đớn nhưng 18 năm ở đây rồi tôi vẫn thấy mình vui”, chị cười tươi nói.

Chị tên Nguyễn Thị Như Ý, 32 tuổi, ở xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Hai lần làm con gái

Hai tháng ở cùng phòng điều trị với Ý, tôi biết thời gian biểu của chị.

5h sáng, dậy vệ sinh cá nhân, rồi rong ruổi đi bán vé số. Cuối giờ chiều trở về bệnh viện tắm rửa, giặt đồ rồi đi trả về số dư, lấy thêm vé số bán buổi tối. Đến 22h thì về bệnh viện ngủ. Hôm nào phải điều trị thì chị ở lại bệnh viện.

Ngày tết, thời gian biểu của chị vẫn vậy. Chỉ khác là mọi hôm còn có bệnh nhân để nói chuyện, còn những ngày này chỉ có một mình chị trong căn phòng cuối khoa.

“Một mình buồn không chị”, tôi hỏi. Chị trả lời gọn trơn: “Có chi đâu mà buồn, còn sống là còn vui”.

Ý kể lại cuộc đời mình, câu chuyện có thể khiến ai cũng buồn thăm thẳm, riêng chị vẫn trọn vẹn nụ cười trên môi.

Năm 14 tuổi, cô bé Ý thấy mình mệt, cơ thể dần mất đi kiểm soát, hai lần có kinh nguyệt rồi vĩnh viễn không bao giờ thấy điều hiển nhiên phải có với một cô gái dậy thì nữa.

“Lúc đó, tôi đã chờ được đau bụng kinh mà… bất thành”, chị kể.

Mỗi ngày chị dậy sớm, chuẩn bị thuốc và bắt đầu rong ruổi bán vé số kiếm tiền.

Như lời báo hiệu cho ánh nắng lụi tàn, nhường chỗ cho bóng đêm của đời mình đến.

Chị bắt đầu nôn ọe, ăn vào là nôn, nôn liên tục, cơn nôn kéo dài đến tận 18 năm sau vẫn không dừng. Từ đó, cuộc đời chị bắt đầu những tháng ngày kéo dài ở bệnh viện cho đến tận bây giờ.

“Mới đầu bác sĩ nói tôi bị loét dạ dày, rồi trào ngược dạ dày, rồi bệnh chi chi đó không nhớ nữa. Tôi uống thuốc nhiều lắm nhưng không khỏi, tôi vẫn nôn ngay lập tức khi ăn vào”, chị Ý tâm sự.

Hơn nửa năm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Điện Bàn, Ý nghỉ học và chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng chữa trị. Ở tòa nhà khoa Nội, trừ khoa Lão, Ý chưa vào nằm còn lại tất cả các khoa đều có mặt.

Bây giờ trong người chị mang vừa tròn 10 chứng bệnh khác nhau, chị nói chịu được hết. Duy chỉ có bệnh thiếu máu là không chịu được nên phải chữa.

“Nếu uống thuốc mà tính ký vào cơ thể thì giờ tôi cũng hai ba trăm ký rồi chứ chẳng phải 25kg, cao hơn 1m4 như bây giờ. Uống thuốc nó quéo người lại luôn”, chị nói vui.

Đơn đấu nuôi thân và nuôi cha mẹ

Cha mẹ chị giờ đã hơn 80 tuổi, không còn nuôi sống được bản thân nữa nên chỉ dựa vào chị. Từ năm 14 tuổi, Ý bắt đầu rong ruổi bán vé số. Tiền kiếm được vừa lo viện phí, vừa nuôi cha mẹ.

“Bán từ hồi vé số có 5.000 đồng/tờ, rồi lên 10.000 đồng. Giờ có thêm vé số điện toán nữa”, chị cười để lộ hàm răng chỉ còn vài chiếc cuối cùng đầy sứt mẻ, nói vui: “Bán vé số từ khi răng còn nguyên hàm, giờ còn có bảy tám cái mà cái nào cũng bể”.

Ý bị thiếu canxi rất nặng, dù lâu rồi ý không ăn đồ gì cứng nhưng lâu lâu chị lại phải “chia tay” chiếc răng thẫm màu vì uống thuốc quá nhiều.

Câu chuyện hay đứt đoạn, như chính trí nhớ của chị đã bị bào mòn nhanh chóng vì bạo bệnh. Bây giờ, không chỉ trí nhớ mà khuôn mặt Ý cũng vậy. Vậy mà chị chưa khi nào buồn, chưa bao giờ than trách số phận của mình.

“Tôi nhìn bạn bè tôi, đứa bác sĩ, kỹ sư, đứa có gia đình hạnh phúc thì nghĩ đó là số phận của tụi nó. Còn cố phận mình thế này thì mình vẫn phải sống thôi. Tôi nghĩ số phận chọn tôi để giao cái nỗi đau này. Than vãn chỉ làm mình tệ hơn”, chị chia sẻ.

Ở với chị một thời gian dài và hôm nay trong không khí tết tôi càng hiểu hơn vì sao với chừng ấy bệnh tật, chị vẫn luôn là “cây cười” của cả phòng bệnh. Những người chữa trị ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng lâu ngày đều nhìn chị mà sống.

Như hôm trước tết, trong phòng có một cô gái tái phát ung thư máu sau đợt hóa trị. Cái chết cận kề, cô khóc rất nhiều, và chẳng ai có thể dỗ dành được ngoài Ý.

Hôm đó chị nói: “Có chi mà khóc. Nhìn chị này, xấu xí, yếu ớt vậy mà trời cứ không cho chết, còn mấy cái răng vẫn cười miết đó thôi. Ngày mai chết thì hôm nay vẫn phải cười và xinh đẹp. Dù sao cũng đã đến được cuộc đời, sống được chừng này thời gian là may mắn lắm rồi”.

Cô gái ấy hết khóc, còn cả phòng, những người đang sống trong cơn bạo bệnh cũng thôi nghĩ về sự thiếu may mắn của mình khi nghe câu chuyện 18 năm ròng rã chiến đấu với bệnh tật của chị.

Chị nói bản thân cũng từng nghĩ mình là người thiếu may mắn nhất. Nhưng rồi trong một lần lang thang bán vé số ở khoa Nhi (khi chưa có Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng) bất giác thấy những đứa trẻ bị ung thư, đau mà chỉ biết khóc, chẳng nói được “con đau” chị không thấy buồn nữa, bởi mình còn hiểu được mình đau chỗ nào.

Vậy là chị thấy mình may mắn.

Đang đi bán vé số thì khát nước, chị ghé vào trong một quán cà phê xin nước uống.

Thích cách sống của Ý

Ngày đầu năm mới, chị ngồi nghĩ ngợi về cuộc đời mình rồi lại cười.

18 năm qua, Ý trở thành bệnh nhân đặc biệt ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Đang điều trị hay tạm dừng điều trị, chị đều có thể ở lại bệnh viện mà chẳng ai nói gì. Ở đây, Ý có thể ngủ ở bất cứ đâu.

“Chị Ý ở đây còn nhiều hơn thời gian công tác của tụi em. Chị không còn là bệnh nhân nữa mà là người thân rồi. Nhìn chị vừa thương vừa thấy mình có thêm động lực sống”, Y tá Hoa tâm sự.

Chị thì nói mình… “được cả thành phố thương”. Khắp Đà Nẵng này, bất cứ quán cà phê, quán cơm, bún nào Ý cũng có thể xin nước uống. Bác xe ôm nào thấy Ý cũng sẵn sàng chở giúp mà không lấy tiền.

Hỏi ra thì mới biết, mọi người không phải thương hại Ý vì bệnh tật mà yêu quý Ý vì cách chị đối diện với cuộc đời bằng sự lạc quan.

Chị Thu bán phở kể: “Thời cao điểm một lúc có thể ăn hết ba tô phở to, tôi biết con bé ăn vào nôn ra nhưng vẫn cho hắn ăn vì tôi thấy con bé lúc nào cũng cười. Cứ ăn vào uống nước xong, ngồi nghỉ một tý là nôn ra hết mà hắn vẫn cười. Hắn yêu đời đến lạ”.

Hôm theo chị đi dọc những con phố, khi chân tôi mỏi nhừ thì chị tới Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng. Chị tranh thủ ghé lên tầng 10 thăm cháu mình đang điều trị bệnh ở đây và các bé khác.

Chị có thể nắm rõ bệnh tình của từng cháu. Chủ yếu là bệnh thận và thiếu máu. Cha mẹ bọn trẻ nhìn thấy Ý cũng tươi cười như gặp chuyên gia tâm lý.

“Nhiều khi thấy mình cạn sức, nhưng Ý lên thăm là như tiêm liều thuốc khỏe. Lại thấy có động lực chiến đấu từng ngày cùng con”, chị Thư – mẹ một cháu bé nói.

Đừng đánh mất niềm tin

Ngày đầu năm mới, chị nói: “Tôi nghĩ đã sống thì đừng mất niềm tin”.

Điều đơn giản ấy nhưng mấy người làm được, nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh của Ý.

Khi bước soi lại khuôn mặt hom hem của mình rồi kẹp lại lọn tóc loe hoe, chị nhìn tôi cười và nói: “Vầy chứ ai cũng bảo tôi cười xinh. Tôi cũng thấy mình xinh hơn trước nhờ cười nhiều”.

Đúng là chị xinh đẹp thật, nó không toát ra từ nhan sắc mà từ tinh thần và cách chị sống. Giữa bao nhiêu mối tơ vò đổ xuống đời mình, Ý vẫn nhìn cuộc sống bằng con mắt lạc quan.

Khi chị sắp xếp lại vé số chuẩn bị đi bán tôi hỏi: “Cuối năm rồi, chị muốn chúc mọi người điều gì?”.

Chị nói một tràng mà câu nào cũng đầy lạc quan: “Tôi chúc mọi người không phải gặp bất hạnh, có gặp thì cũng đừng có bi quan. Chúc cho người trẻ thôi chán nản khi gặp phải vấp ngã. Chúc các cụ già sống tươi trẻ. Bệnh nhân sống lạc quan… “.

Hoàng Bách (tổng hợp)

Theo Đời sống
back to top