Bệnh nhân đến khám tại Viện Tim Hà Nội tăng đột biến trong những ngày giá rét.
Chủ động phòng, chống rét cho bệnh nhân
Với nhiệt độ ngoài trời rét đậm chỉ từ 9 đến 12 độ C, nhiều người dù mang bệnh nhưng do ngại rét không chịu đến bệnh viện (BV) mà vẫn “cố thủ” ở nhà chờ thời tiết ấm hơn mới đi khám. Các bác sĩ cảnh báo, với một số bệnh mạn tính dù đang ổn định nhưng khi gặp lạnh rất dễ biến chứng nặng lên, do đó, người dân cần hết sức cảnh giác.
Theo GS-TS Ngô Quý Châu – PGĐ Bệnh viện Bạch Mai, GĐ Trung tâm Hô hấp của BV – bệnh hô hấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh tật, thậm chí tử vong. Khi thời tiết lạnh, số bệnh nhân hô hấp tăng lên. Ví dụ như ngày trời rất lạnh, khoảng 3-5 ngày sau số bệnh nhân đến khám tăng lên, nói như thế để thấy cũng cần một quá trình tác động lên cơ thể.
Với những bệnh nhân đã có bệnh phổi mạn tính như COPD, hen phế quản, thời tiết lạnh sẽ làm bệnh nặng lên, làm người bệnh tăng triệu chứng, như khó thở tăng lên, bệnh nhân phải đi khám, thậm chí cấp cứu. Khi trời lạnh, số bệnh nhân đến khám vì các bệnh hô hấp tăng lên. Đáng lưu ý nhất là các bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính (COPD), vào thời tiết lạnh bệnh nhân rất dễ gặp phải các đợt cấp.
Tại Bệnh viện Lão khoa quốc gia, Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày rét đậm vừa qua, số bệnh nhân đến khám luôn trong tình trạng quá tải nhưng các phòng khám đều có hệ thống lò sưởi, điều hòa hai chiều đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây.
Nhiều người bệnh đến khám bệnh tại Viện Tim mạch quốc gia những ngày thời tiết lạnh giá cũng rất phấn khởi vì được các y-bác sĩ ở đây đón tiếp rất nhiệt tình, chu đáo. Hầu hết các phòng chờ, phòng khám của Viện Tim mạch đều có lò sưởi, điều hòa hai chiều khiến cho người bệnh đến khám bệnh và điều trị tại đây rất yên tâm.
Còn tại các khoa điều trị của Viện, các thiết bị giữ ấm cho bệnh nhân như chăn, lò sưởi cũng được tăng cường tại các buồng bệnh nhằm đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của bệnh nhân.
Trong những ngày rét đậm, rét hại, các khoa, phòng của Bệnh viện K, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Việt Đức… đã rà soát, tăng cường hệ thống điều hòa hai chiều, máy sưởi, chăn ấm, các thiết bị giữ ấm… cho các bệnh nhân đến khám bệnh và điều trị nội trú, cũng như bệnh nhân ngoại trú chống rét.
Đặc biệt, tại các Khoa Cấp cứu, Khoa Khám bệnh của một số bệnh viện đã triển khai việc cung cấp suất ăn tận phòng bệnh phục vụ các bệnh nhân nặng, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn hoặc bệnh nhân tạm thời chưa có người nhà chăm sóc.
Ngoài ra, tại các phòng mổ, phòng hồi sức tích cực, phòng cấp cứu, lò sưởi, máy điều hòa làm ấm luôn được bật để người bệnh đỡ lạnh. Đối với tòa nhà lưu trú cho người bệnh ngoại trú và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều), BV đã yêu cầu bảo vệ đóng cửa sổ để tránh gió và đáp ứng việc cung cấp suất ăn miễn phí cho các đối tượng nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Cũng như nhiều BV khác, Bệnh viện Bạch Mai cũng có những biện pháp chủ động phòng, chống rét cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong quá trình đến viện khám-chữa bệnh.
Ngoài việc cung cấp đủ chăn, đệm cho bệnh nhân, che chắn chống gió lùa qua hệ thống cửa kính, BV đã tạo điều kiện cho người bệnh và người nhà bệnh nhân được mang thêm chăn ấm vào viện; các suất ăn trong BV được phục vụ tận buồng bệnh, thức ăn đủ ấm và đảm bảo dinh dưỡng.
Tại các phòng mổ, hồi sức tích cực, cấp cứu… luôn có máy điều hòa nóng, lò sưởi để bệnh nhân không bị lạnh trong quá trình tiến hành các thủ thuật.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh đến khám được tăng cường đèn sưởi.
Tránh để người bệnh phàn nàn
Tại Bệnh viện Việt Đức, thông tin từ Phòng Công tác xã hội của bệnh viện cho biết, để đảm bảo cho người bệnh khám-chữa bệnh trong điều kiện thời tiết mưa rét hiện nay, BV đã yêu cầu các khoa phòng tăng cường sử dụng điều hòa nóng, đèn sưởi, quạt sưởi và cấp đầy đủ chăn cho người bệnh, tránh để người bệnh phàn nàn về việc bị rét khi điều trị tại bệnh viện.
Tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) nơi điều trị các bệnh nhân nặng, hệ thống điều hoà hai chiều, máy sưởi, chăn ấm… cũng được bổ sung để giữ ấm cho bệnh nhân.
Các bác sĩ đặc biệt lưu ý thời tiết lạnh rất nguy cơ với bệnh nhân tăng huyết áp, người già. Cần phòng nguy cơ đột quỵ do trời lạnh bằng cách giữ ấm, ở trong phòng kín gió, kiểm soát tốt huyết áp để phòng nguy cơ đột quỵ
Tại Bệnh viện K, theo BS Nguyễn Bá Tĩnh – Trưởng phòng Công tác xã hội – để phục vụ các bệnh nhân đang điều trị nội trú, cũng như bệnh nhân ngoại trú tại khu vực phòng khám, BV đã đề nghị các khoa, phòng rà soát cấp đủ chăn, duy trì các thiết bị giữ ấm cho bệnh nhân.
Đặc biệt các khoa đặc thù, đã triển khai việc cung cấp suất ăn tận phòng bệnh phục vụ các bệnh nhân nặng, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn hoặc bệnh nhân tạm thời chưa có người nhà chăm sóc…
Riêng tại Hà Nội, để chủ động phòng, chống rét cho bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội… cũng đã tăng cường thêm các thiết bị giữ ấm, chăn, lò sưởi… chống rét cho người bệnh tại các khu vực khám bệnh, khu vực điều trị, khu mổ, phòng thủ thuật… đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân một cách tốt nhất.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Nhị Hà – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – cho biết, ngay khi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo có rét đậm, rét hại, Sở Y tế Hà Nội đã gửi công văn khẩn yêu cầu các bệnh viện thuộc Sở tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo phòng, chống rét cho người bệnh đến khám và điều trị ngoại trú tại các BV trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các BV tăng cường các thiết bị sưởi, chăn ấm trong phòng nội trú; đối với các bệnh nhân đến khám, các BV cũng phải đảm bảo sức khỏe cho người dân trong suốt quá trình khám bệnh, nơi chờ khám đảm bảo kín gió; đặc biệt chú trọng các bệnh nhân cao tuổi, sơ sinh và trẻ nhỏ, các phòng đẻ và sau sinh.
Các cơ sở điều trị cũng phải sẵn sàng cơ số thuốc, giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp cấp cứu do rét, thời tiết bất thường như tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, cúm, viêm đường hô hấp cấp…
Thời tiết đang diễn biến bất thường, các đợt rét đậm, rét hại kéo dài liên tục gây ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là người già và trẻ em… Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chủ động các biện pháp giữ ấm thích hợp, ăn uống đủ chất, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra do nhiễm lạnh.
Hoàng Bách (tổng hợp)