Bệnh viện công phải tự chủ hoàn toàn trong năm 2018

Các bệnh viện công phải tự chủ tài chính trong nền kinh tế thị trường, thu hút bệnh nhân bằng uy tín, trình độ, nếu không sẽ bị “đào thải”.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/benh-vien-cong-phai-tu-chu-hoan-toan-trong-nam-20181.jpg

Nếu không thu hút được người bệnh, bệnh viên công cũng sẽ phải đóng cửa như hoạt động của doanh nghiệp. Nguồn ảnh: Lao Động

Theo Sở Y tế Hà Nội, cơ quan này đang tiến hành các bước chuẩn bị cuối cùng chính thức triển khai tự chủ tài chính tại nhiều bệnh viện công trên địa bàn theo lộ trình định trước.

Trao đổi với báo chí tại Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, khi các bệnh viện công tự chủ tài chính, họ phải “tự bơi” trong nền kinh tế thị trường, hút bệnh nhân bằng chính uy tín, trình độ, nếu không tìm được nguồn bệnh nhân, đồng nghĩa bệnh viện phải đóng cửa theo đúng hoạt động của doanh nghiệp.

Cũng theo bà Hà, năm 2017, cơ quan này đã tiến hành khảo sát sự hài lòng của người bệnh với các cơ sở y tế trên địa bàn, kết quả có 96% bệnh nhân được hỏi cho rằng, họ hài lòng với dịch vụ tại các cơ sở y tế và thái độ thăm khám của nhân viên y tế.

Song với tỷ lệ nêu trên, bà Nhị Hà thừa nhận, điều này vẫn chưa thực chất, chưa phản ánh được toàn cảnh bức tranh khám chữa bệnh trên địa bàn Thủ đô bởi cách khảo sát chưa khách quan, có những điều người bệnh muốn nêu nhưng lại chưa được phản ánh trong các phiếu khảo sát.

Do vậy, theo bà Nhị Hà, năm 2018, cơ quan này sẽ đổi mới hình thức đánh giá sự hài lòng của người bệnh. Cụ thể, Sở Y tế sẽ tiến hành lắp đặt phần mềm điện tử đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân kết nối từ các cơ sở y tế về Sở Y tế.

Hiện tại, Hà Nội có 41 bệnh viện, trong đó 5 bệnh viện tự chủ hoàn toàn (Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Mắt Hà Đông). 36 bệnh viện còn lại sẽ có lộ trình phù hợp trong giai đoạn 2018 – 2020.

P.H

(theo Kiến Thức)

Theo Đời sống
back to top