Hỏi: Làm thế nào để nhận biết đâu là thực phẩm có tính nóng, đâu là thực phẩm có tính lạnh?
Hoàng Vũ Nguyên (Hà Nội)
ThS Lưu Liên Hương, Viện Y học Ứng dụng: Thức ăn nóng (nhiệt) là những loại từ thực phẩm xứ nóng hoặc mùa sinh trưởng là mùa nóng, phần trên mặt đất mọc cao, thẳng đứng, phần dưới đất nằm ngang, có nhiều nước, nhanh chín, gặp nhiệt thì mềm, thường có màu lục, trắng, lam, tím, nhiều vitamin C... Thức ăn lạnh (hàn) là những loại sinh trưởng ở vùng ôn đới, thời gian sinh trưởng là mùa lạnh, phần trên mặt đất thường mọc bò ngang, phần dưới mặt đất thì thẳng đứng, ít nước, nấu lâu chín, gặp nhiệt thì rắn lại, thường có màu đỏ, da cam, nâu, vàng, đen, ít vitamin C, bộ phận thường ăn được là rễ, củ...
Có khá nhiều thực phẩm mà chúng ta có thể nhầm lẫn khi xếp chúng vào nhóm thực phẩm nóng hay lạnh. Có thể ví dụ như quả đu đủ nhiều người nhầm tưởng rằng ăn đu đủ là nóng. Tuy nhiên, thực tế theo Đông y, đu đủ tính hàn, vị ngọt mùi hơi hắc. Lạc (đậu phộng) là thực vật trong đất sẽ có tính nhiệt, vì chúng có thời gian dài trong đất, hấp thụ một lượng nước ít. Tương tự thì khoai tây, củ từ, gừng… đều là các loại thực phẩm mang tính nhiệt. Nhiều người nghĩ rằng quả mơ có tính nhiệt do vị chua, ngọt nhưng thực chất quả mơ có tính hàn, ấm vị. Chuối tiêu có vị ngọt, tính hàn, không độc, thành phần chủ yếu là protein, tinh bột, chất béo, các loại đường, photpho, canxi, kẽm, vitamin A, C, E, B11. Nhãn có mặt trong nhiều món ăn, thức uống giải nhiệt mùa hè, hương vị cũng rất dễ chịu nên nhiều người nghĩ nó tính mát. Tuy nhiên, theo Đông y, nếu dưới dạng bài thuốc thì cùi nhãn phơi hay sấy khô (long nhãn) mang tính ôn nhiệt.
Thực tế trong cuộc sống có nhiều loại thực phẩm có thể không rõ ràng để phân biệt là hàn hay nhiệt. Tuy nhiên, việc nắm được các tính chất của thực phẩm cũng sẽ giúp lựa chọn hợp lý và kết hợp chính xác, không quá lạm dụng bất cứ một loại thực phẩm nào và cân bằng dinh dưỡng, điều hòa cho cơ thể.