Các cấp đều tích cực kiểm tra
Theo Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 347 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành (tuyến tỉnh: 15 đoàn; tuyến huyện: 24 đoàn; tuyến xã: 308 đoàn).
Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại; đoàn cấp huyện, cấp xã triển khai kiểm tra đối với các cơ sở theo phân cấp.
Theo ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh, trọng tâm trong công tác thanh tra, kiểm tra là tập trung vào những mặt hàng như: Thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, kẹo, rau, củ, quả và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, chú trọng những cơ sở có dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm và kiểm soát các đầu mối sản xuất, kinh doanh thực phẩm, siêu thị, chợ, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm...
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các đoàn thanh tra, kiểm tra tổ chức các thành phần đủ quyền lực và chuyên môn, kết hợp lấy mẫu xét nghiệm khi cần thiết.
Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra 7.759 lượt cơ sở; trong đó phát hiện có 530 lượt cơ sở vi phạm. Theo đó, đã xử phạt vi phạm hành chính 384 lượt cơ sở; tổng số tiền nộp vào Nhà nước theo quy định là trên 656 triệu đồng.
Trong đó, Sở NN&PTNN đã kiểm tra 103 lượt cơ sở, xử lý vi phạm 6 lượt cơ sở, số tiền 30 triệu; Sở Y tế kiểm tra 180 lượt cơ sở, xử lý vi phạm 15 lượt cơ sở, số tiền trên 36 triệu đồng; Công an tỉnh kiểm tra và xử lý 67 vụ vi phạm, xử phạt số tiền trên 164 triệu đồng; tuyến huyện, xã: kiểm tra 7.274 lượt cơ sở, xử lý vi phạm 171 lượt cơ sở, số tiền trên 248 triệu đồng. Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh kiểm tra phát hiện và xử lý 125 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt hành chính trên 177 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu: Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm không đội mũ, đeo khẩu trang; cống rãnh thoát nước thải bị ứ đọng, không được che kín; sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng đã quá hạn sử dụng…
Kiểm tra an toàn thực phầm tại Hà Tĩnh.
Xét nghiệm mẫu nước đóng chai, đóng bình
Hà Tĩnh hiện có 49 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình được quản lý và cấp phép hoạt động. Để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm đã được phê duyệt đầu năm, ngày 21/5/2020 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh ban hành quyết định số 13/QĐ-ATTP về việc kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền trên địa bàn toàn tỉnh.
Nội dung kiểm tra tập trung việc tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai đóng bình như: điều kiện cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ; chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất cơ bản được tập huấn, thực hành tốt về quy trình sản xuất và chế biến thực phẩm an toàn; được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; tự công bố sản phẩm và thực hiện các quy định kiểm định chất lượng sản phẩm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm.
Từ ngày 21/5 - 21/6/2020, Chi cục đã tiến hành kiểm tra, hậu kiểm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại 49/49 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai đóng bình trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, nhận thấy hầu hết các cơ sở đều tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; hồ sơ thủ tục hành chính đầy đủ, còn hiệu lực; trang thiết bị, dụng cụ sản xuất, xét nghiệm nguồn nước, tự công bố sản phẩm, kiểm định chất lượng sản phẩm theo đúng quy định. Theo đó, đoàn cũng đã tiến hành lấy 49 mẫu nước uống đóng chai, đóng bình gửi các cơ quan chức năng để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm.
Song song với quá trình kiểm tra, lấy mẫu, đoàn cũng đã hướng dẫn, tuyên truyền các cơ sở thực hành tốt các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.