“Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2020 với chủ đề "“Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”, trong đó hơn một nửa thời gian đầu diễn ra trong bối cảnh cả nước đang thực hiện cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19, vì vậy, việc triển khai các hoạt động gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, sự hưởng ứng của cộng đồng và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nên “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020 cũng đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.
Nghệ An
Tổ chức tập huấn cho 06 lớp với 225 người tham gia, 160 buổi nói chuyện/hội thảo với 1.083 lượt người; 5.014 lượt phát thanh, 5 phóng sự trên truyền hình; 42 bài báo viết; 9.600 tờ rơi; in sao và cấp phát 25 đĩa hình, 505 đĩa tiếng; treo 938 băng rôn, khẩu hiệu,...Đối với công tác thanh tra, kiểm tra thành lập 470 Đoàn, tổ chức thanh tra, kiểm tra 5.184 cơ sở, trong đó có 4.232 cơ sở đạt (chiếm 81,6%), có 952 cơ sở không đạt (chiếm 18,4%), tiến hành xử lý vi phạm hành chính 171 cơ sở với số tiền 464.560.000đ.
Công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm cũng đã được triển khai trên địa bàn thành phố Vinh và một số huyện trọng điểm với tổng 39 mẫu, trong đó: Xét nghiệm nhanh 23 chỉ tiêu hóa lý (23/23 mẫu đạt); gửi mẫu kiểm nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia 26 mẫu, số mẫu đạt: 19/26 mẫu (73,07%), số mẫu không đạt: 07/26 mẫu (26,93%). Trong dịp Tháng hành động, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm do 3 cháu từ 6-7 tuổi tự ý làm và ăn thịt cóc, rất may là đã phát hiện và xử trí kịp thời, không có trường hợp tử vong.
Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm. |
Bình Định
Các đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra 78 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, trong đó, có 73 cơ sở (tỷ lệ 93,6%) chấp hành đúng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm như có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, hồ sơ tự công bố sản phẩm, lưu mẫu thức ăn theo quy định…; có 05 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 6,4%) bị xử lý với số tiền phạt là 14.000.000 đồng.
Đăk Lăk
Kết quả Thanh tra tại cơ sở, Đoàn liên ngành tỉnh đã thanh tra, kiểm tra được 29 cơ sở (15 cơ sở sản xuất, 10 cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn và 4 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể). Số cơ sở đạt yêu cầu an toàn thực phẩm là 20 cơ sở, chiếm tỷ lệ 70%. Số cơ sở vi phạm bị xử lý là 9 cơ sở, trong đó 03 cơ sở giao địa phương xử lý, 6 cơ sở tỉnh xử lý (đã xử lý 1 cơ sở với số tiền phạt 5.000.000đ), 5 cơ sở chờ xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Trong đợt Thanh tra, kiểm tra các Đoàn liên ngành tỉnh tiến hành lấy 14 mẫu thực phẩm gồm: 8 mẫu cà phê bột; 4 mẫu nước uống đóng chai; 1 mẫu cá khô; 1 mẫu mắm tôm phục vụ công tác thanh tra (đã gửi mẫu kiểm nghiệm và chờ kết quả).
Long An
Kết quả Thanh tra, kiểm tra tại cơ sở, Đoàn thanh tra, kiểm tra tỉnh đã thanh tra, kiểm tra được 59 cơ sở (20 cơ sở sản xuất, 19 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể). Số cơ sở đạt yêu cầu an toàn thực phẩm là 41 cơ sở, chiếm tỷ lệ 69%. Số cơ sở vi phạm chờ xử lý là 18 cơ sở. Trong đợt Thanh tra, kiểm tra các đoàn tiến hành lấy 17 mẫu thực phẩm (gồm mẫu thịt tươi sống, cà phê bột, mẫu nước uống đóng chai, mẫu thực phẩm bao gói sẵn của bếp ăn tập thể, suất ăn sẵn) phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra (đang gửi mẫu kiểm nghiệm và chờ kết quả).
Qua công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong quản lý nhà nước về ATTP. Đồng thời, phát hiện ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, quảng cáo thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn; đề xuất cấp trên giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh.