Nước tinh khiết được đóng từ nguồn nước thải
Từ nguồn tin của quần chúng cung cấp, ngày 5/6, Đội Quản lý thị trường số 1 và Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường TP Hải Phòng) tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất nước uống đóng bình Trường Thành (thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành, huyện An Lão). Cơ sở sản xuất trên thuộc Công ty TNHH Phúc Hà, địa chỉ thôn Xuân Đài, xã Trường Thọ, huyện An Lão, TP Hải Phòng.
Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở sử dụng nguồn nước được lấy trực tiếp từ mương phía sau cơ sở để sản xuất nước uống đóng bình.
Đây là mương nước thải sinh hoạt của các hộ dân quanh khu vực thôn Phương Chử Đông. Sau khi bơm nước từ mương lên, qua các quy trình lọc thô và lọc bằng máy móc sau đó sản phẩm được đóng bình, dán màng co với nhãn hiệu Vimass Núi Voi. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất này đưa ra tiêu thụ trên thị trường khoảng 200 bình nước uống dung tích 20 lít.
Hiện, lực lượng chức năng đã yêu cầu cơ sở tạm dừng lưu thông các sản phẩm nước đóng bình và dừng hoạt động bơm nước từ mương để sản xuất cho đến khi có kết luận cuối cùng của đoàn kiểm tra.
Hà Nội: 687 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 500 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình và nước đá dùng liền được quản lý và cấp phép hoạt động.
Ngay trước khi bước vào mùa hè, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền. Công tác kiểm tra mặt hàng này được triển khai song song với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung trong thời gian qua.
Kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm trong 5 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn Hà Nội cho thấy, trong số 37.280 lượt cơ sở thực phẩm được kiểm tra (đạt 85,5%) có 687 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Trong những cơ sở thực phẩm bị xử phạt này cũng có những cơ sở kinh doanh, sản xuất nước đóng bình, đóng chai.
Qua các đợt kiểm tra, ông Trần Ngọc Tụ đánh giá, các cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai, nước đá đã có sự đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, hệ thống lọc nước đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh ngoại cảnh cũng đã được cải thiện… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những cơ sở chưa quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống làm sạch bình tái sử dụng; chiết, đóng bình mang tính thủ công, do đó có những mẫu kiểm nghiệm không đạt chỉ tiêu vi sinh vật... Các vi phạm chủ yếu ở những cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ, công nghệ chưa được đầu tư thỏa đáng. Phòng y tế các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đóng bình, đóng chai quy mô nhỏ lẻ tại các khu dân cư, từ đó kịp thời phát hiện cơ sở vi phạm.
PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, người tiêu dùng hiện chưa quan tâm đến chất lượng nước đóng bình, đóng chai như thế nào là bảo đảm chất lượng. Thậm chí, khi cầm một chai nước hoặc một bình nước, thông qua nhãn mác, ít người có thể nhận biết được loại nước này đã được công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm bảo đảm chất lượng thông qua nhãn mác.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, khi mua nước đóng chai, đóng bình người dân cần chú ý: nhãn mác của một sản phẩm bảo đảm chất lượng phải có đầy đủ các nội dung, gồm: Tên sản phẩm; tên, địa chỉ thương hiệu chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng của sản phẩm; thành phần cấu tạo; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; ngày sản xuất, thời gian sử dụng, thời hạn bảo quản; hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng; xuất xứ của sản phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng cần kiểm tra về hình dạng bên ngoài: Vỏ bình phải còn mới, không bị bẩn, không bị móp, méo, dập, thủng… Không sử dụng các sản phẩm đã quá hạn sử dụng hoặc nước có dấu hiệu bất thường như vẩn đục, có màu sắc khác lạ…