Bỏng nước sôi

(khoahocdoisong.vn) - Bỏng nước sôi rất nguy hiểm với trẻ. BV Xanh Pôn cũng đã tiếp nhận cậu bé 14 tuổi bị bỏng nước sôi từ nhỏ làm biến dạng toàn bộ vành tai trái, bị bạn bè chọc ghẹo và không thể đeo kính như các bạn.

Con chị Trần Thị Thục (Linh Đàm, Hà Nội) mới có gần 1 tuổi, chiều nào chị cũng đun nước lá tắm để bé đỡ rôm. Mỗi lần được tắm là bé thích nên chân tay vẫy rối rít. Hôm vừa rồi em gái chị đến thăm đúng lúc chị mang bé ra tắm. Em gái chị cầm siêu nước lá đã đun rót vào chậu, vô tình cháu bé thò tay ra túm lấy siêu nước làm nước bắn tung lên khắp đầu và mặt, cháu hét toáng lên. May mà siêu nước ấy chị Thục đã pha chỉ còn âm ấm, nếu là siêu nước nóng chắc cả mặt mũi và tai của cháu đã bị bỏng.

Lời bàn: GS.TS Trần Thiết Sơn, CN khoa PTTH thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, bỏng nước sôi rất nguy hiểm với trẻ. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng đã tiếp nhận cậu bé 14 tuổi bị bỏng nước sôi từ nhỏ làm biến dạng toàn bộ vành tai trái, bị bạn bè chọc ghẹo và không thể đeo kính. Việc phẫu thuật lại lớp da bị nhăn nhúm là khó. Với cậu bé đó, các bác sĩ đã lấy sụn sườn của chính cậu bé này và tạo ra một khung sụn làm nên hình dáng của vành tai, sau đó khung sụn được chôn dưới da ngay sau lỗ tai. Sáu tháng sau vành tai định hình và được dựng lên. 18 tháng sau cậu bé lên khám lại thì vành tai mới đã ổn định.

Cha mẹ khi tắm cho con hoặc khi trông trẻ nhớ để trẻ xa nguồn điện, nguồn nước nóng vì lỡ chẳng may bị bỏng, da các cháu non dễ co và khó hồi phục. Việc phẫu thuật phải chờ thời gian phù hợp và mất rất nhiều công sức.

PT (ghi)

Theo Đời sống
back to top