Mùa hè nắng nóng, phòng bệnh chốc lở ngoài da ở trẻ em

Chốc lở là 1 bệnh da liễu rất thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè với biểu hiện là những vết loét đỏ trên mặt, quanh miệng, mũi, trên tay và chân. Các bậc phụ huynh rất hay nhầm lẫn giữa chốc và thủy đậu.

Chốc lở còn được gọi là bệnh Impetigo, nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn liên cầu, tụ cầu trực tiếp tại vùng da lành hoặc do nhiễm trùng các vết trầy xước trên da như bị côn trùng cắn, xây xước do ngứa gãi…

Bệnh thường tiến triển vào mùa hè và rôm sảy là một nguyên nhân để khuẩn liên cầu dễ xâm nhập vào trẻ. Trẻ bị rôm sảy thường ngứa ngáy, nhưng bị chốc lở thì có dấu hiệu đau nhiều hơn. Chốc lở có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng, nhưng trẻ nhỏ dễ bị "tấn công" nhất do hệ miễn dịch kém nên dễ nhiễm trùng.

Mùa hè nắng nóng, phòng bệnh chốc lở ngoài da ở trẻ em. Ảnh minh họa

Mùa hè nắng nóng, phòng bệnh chốc lở ngoài da ở trẻ em. Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết chốc lở ở trẻ

Bệnh chốc lở thường xuất hiện dưới dạng vết loét đỏ trên mặt, đặc biệt là quanh mũi và miệng, hoặc trên tay chân hoặc đầu của trẻ. Sau đó, các vết loét bị vỡ ra và phát triển lớp vỏ màu mật ong.

Bệnh chốc lở chủ yếu được chia thành ba loại sau:

Chốc không có bọng nước: Đây là loại phổ biến nhất với khoảng 70% trường hợp mắc phải, các triệu chứng ban đầu thường xuất hiện các nốt sần đỏ, ngứa quanh miệng và mũi. Sau đó, các nốt sần bị vỡ ra, làm cho vùng da xung quanh bị ửng đỏ và kích ứng, rồi hình thành lớp vỏ màu vàng nâu.

Chốc có bọng nước: Đây là loại chốc lở ngoài da nghiêm trọng, ban đầu hình thành nên các mụn bọng nước lớn, chứa đầy mủ. Sau khi vỡ ra, sẽ hình thành các vết loét màu vàng và đóng vảy. Các vết loét này thường không để lại sẹo.

Chốc loét: Đây là loại chốc có tình trạng vi khuẩn xâm nhập sâu vào da, tạo thành các vết loét chứa đầy mủ với lớp vảy dày, gây đau đớn, thường bị ở mông, đùi, chân, mắt cá chân và bàn chân. Các vết loét này thường rất lâu lành và có thể sẽ để lại sẹo.

Biến chứng bệnh lở chốc

Chốc lở thông thường không nguy hiểm, nhưng đôi khi có thể dẫn đến biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng:

Biến chứng tại chỗ:

Chàm hóa: Chốc tái đi tái lại xuất hiện nhiều mụn nước mới, ngứa.

Chốc loét: Thường gặp trên trẻ em, người già bị suy dinh dưỡng nặng hay người suy giảm miễn dịch, thương tổn ăn sâu, khi khỏi để lại sẹo ảnh hưởng thẩm mỹ (chốc thông thường không để lại sẹo).

Biến chứng toàn thân:

Nhiễm trùng huyết: Thường gặp trên cơ thể có sức đề kháng yếu, chủ yếu do tụ cầu.

Viêm cầu thận cấp: Thời gian từ chốc đến viêm cầu thận cấp thường là 3 tuần.

Ngoài ra có thể gặp: Viêm quầng, viêm mô bào sâu, viêm phổi, viêm hạch, viêm xương…

Xử trí trước khi đưa trẻ đến bệnh viện

Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, có thể dùng nước thuốc tím pha loãng 1/10.000, hoặc sử dụng một số loại nước tắm trong dân gian như nước chè xanh làm khô se thương tổn.

Cha mẹ có thể sử dụng một số thuốc sát trùng như betadine hoặc dung dịch thuốc màu như xanh methylen… Dùng một vài ngày không thấy cải thiện hoặc bệnh có xu hướng nặng lên thì nên gặp bác sĩ để được tư vấn, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Chốc lở dễ lây lan do thương tổn thường gây ngứa, trẻ sờ gãi vào những thương tổn ở chỗ này, rồi lại làm lây lan ra chỗ khác ngay trên cơ thể. Bởi vậy, khi trẻ bị chốc, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tạm nghỉ ở nhà để kiểm soát tốt hơn sự lan rộng của bệnh trên cơ thể trẻ và ngăn ngừa biến chứng. Bên cạnh đó, động thái này cũng giúp hạn chế bệnh lây sang các bạn khác.

Trẻ bị chốc lở nên kiêng gì?

Luôn để cơ thể trẻ được thoáng mát: Nơi ở rộng rãi, quần áo mỏng thoáng, thấm mồ hôi. Nên che vết chốc lở trên da trẻ lại để hạn chế làm vỡ bóng nước làm lây lan vi khuẩn sang các phần khác của cơ thể hoặc người tiếp xúc với trẻ.

Cha mẹ đảm bảo hạn chế cho trẻ chơi gần vật nuôi, tránh côn trùng nhằm giúp bảo vệ da trẻ không bị xây xát. Tránh cho trẻ ở lâu những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng, dễ côn trùng đốt.

Trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ, thay và giặt sạch quần áo mỗi ngày, rửa tay thường xuyên để phòng ngừa sự tích tụ của vi khuẩn liên cầu và tụ cầu.

Bên cạnh việc điều trị, xây dựng chế độ ăn hợp lý cũng giúp trẻ nhanh chóng lành bệnh và tránh để lại sẹo. Cha mẹ cần đảm bảo cho trẻ uống nước đầy đủ, ăn nhiều rau xanh và trái cây. Hạn chế cho trẻ ăn những đồ cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn hay đồ ngọt.

Theo Đời sống
Nguy hiểm rình rập khi dùng cồn nướng mực, cá

Nguy hiểm rình rập khi dùng cồn nướng mực, cá

Hiện nay, các loại cồn khô, cồn nước được sử dụng phổ biến thay thế bếp gas mini khi nấu ăn. Tuy nhiên, nếu không biết cách nấu, cách chọn loại cồn, người tiêu dùng có thể bị bỏng, trở thành những “ngọn đuốc sống”.
Những dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 thế giới. Ở giai đoạn đầu khi khối u còn khu trú ở một vị trí có nhiều khả năng điều trị hơn. Vì vậy, việc nhận biết dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm vô cùng quan trọng.
back to top