Vừa qua, Đơn vị Cấp cứu 115 Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã xử trí cấp cứu thành công cho bệnh nhi 9 tháng tuổi bị ngưng hô hấp tuần hoàn do sặc cháo.
Ảnh minh hoạ |
Theo thông tin ThS.Bs Lưu Thị Hồng Khuyên, Chuyên khoa Nhi Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cung cấp, sáng cùng ngày vào viện, bệnh nhi đang ăn cháo thì bị ho, sặc cháo lên mũi, sau đó tím môi, lịm người dần, gọi hỏi không có phản ứng. Người nhà chưa xử trí gì, sau đó đưa bé đến Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cấp cứu (thời gian di chuyển khoảng 10 phút) trong trạng thái nhợt nhạt, hôn mê, mạch rời rạc.
Tại đây, bệnh nhi được các bác sĩ và điều dưỡng tiến hành cấp cứu theo phương pháp cấp cứu dị vật đường thở khi trẻ bất tỉnh (Heimlich tư thế nằm), hút dịch, đờm dãi.
Sau cấp cứu 5 phút, trẻ tỉnh, khóc thành tiếng, da niêm mạc hồng trở lại. Ca cấp cứu chỉ diễn ra trong vài phút và bằng những kỹ thuật không quá phức tạp nhưng đã cứu được một em bé trong trạng thái vô cùng nguy kịch.
Hiện tại, bệnh nhi đã ổn định và đang được theo dõi tại khoa Nhi Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai.
Dị vật đường thở là một cấp cứu đường hô hấp, có thể gây tử vong. 80% trường hợp dị vật đường thở ở trẻ em xảy ra ở trẻ < 3 tuổi, lứa tuổi chủ yếu từ 1 – 2 tuổi. Gây ra 7% số ca tử vong liên quan đến chấn thương trẻ em từ 1 – 3 tuổi (bé trai thường gặp hơn bé gái).
Nếu phát hiện trẻ có những dấu hiệu hóc dị vật đường thở, người nhà nên nhanh chóng gọi số cấp cứu hỗ trợ y tế, đồng thời xử trí ban đầu bằng phương pháp Heimlich
Cách xử trí khi trẻ bị sặc
Ngay khi trẻ mới xuất hiện sặc (dấu hiệu ho sặc sụa và khó thở, tím tái,…) cần nhanh chóng xử trí theo các bước:
Bước 1: Bế trẻ lên ngay rồi đặt nằm sấp trên một cánh tay, dùng bàn tay đỡ đầu và cổ trẻ hoặc đặt lên đùi, chú ý để đầu trẻ thấp hơn lồng ngực. Dùng lòng bàn tay kia vỗ thật mạnh 5-7 cái vào lưng trẻ chỗ giữa hai xương bả vai khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng đột ngột để tống đẩy dị vật ra ngoài.
Bước 2: Nếu trẻ vẫn tím tái phải lật trẻ nằm ngửa bằng cách đỡ đầu trẻ và kẹp giữa hai đầu gối, đầu trẻ thấp hơn thân. Dùng hai ngón tay trỏ và giữa của bàn tay phải ấn mạnh vùng dưới xương ức 5 lần (vùng dưới xương ức là vùng mềm khi ấn xuống sẽ lõm vào). Quan sát vùng mũi họng nếu có dịch thì hút sạch để không ứ đọng trong mũi và miệng trẻ.
Bước 3: Nếu dị vật chưa rơi ra, tiếp tục lật người trẻ lại để vỗ lưng như bước 1. Luân phiên vỗ lưng - ấn ngực cho đến lúc dị vật rơi ra khỏi đường thở.
Trong khi xử lý bước 1, cần gọi cấp cứu y tế hoặc đưa đến cơ sở y tế ngay. Trong khi chờ đợi cấp cứu vẫn tiếp tục xử lý tiếp các bước sau. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kể cả sau khi trẻ đã đỡ vì cháo, bột rơi vào phổi nguy cơ viêm phổi thứ phát có thể đe dọa tính mạng trẻ. Vì vậy cần được khám và theo dõi trong vài ngày tiếp theo.
.