Phú Thọ: Loét cánh tay, sưng nề tấy đỏ vì tự tiêm canxi tại nhà

Nhiều người tự tiêm canxi trị bệnh mà không biết có gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, dễ gây viêm nhiễm, viêm tắc mạch máu, hoại tử mô, có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết... ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Tự tiêm canxi tại nhà suýt hỏng cánh tay

Vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ tiếp nhận trường hợp người bệnh B.Q.Đ (nam, 82 tuổi, xã Vinh Chân, huyện Hạ Hòa) đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Hạ Hoà trong tình trạng vùng khuỷu tay phải bị sưng nề, loét chảy dịch, vận động hạn chế.

Theo lời kể cho người bệnh, trước vào viện khoảng 1 tuần, người bệnh tự tiêm canxi đường tĩnh mạch vùng khuỷu tay phải tại nhà. Sau tiêm thấy vùng khuỷu tay phải sưng nề và dần xuất hiện các dấu hiệu loét, chảy dịch nhiều, không thuyên giảm.

Tại Trung tâm Y tế Hạ Hòa, các bác sĩ tiến hành thăm khám thấy: khuỷu tay phải có vết loét kích thước 5x5 cm, chảy dịch, có giả mạc, xung quanh sưng nề tấy đỏ, hạn chế vận động. Người bệnh được chẩn đoán bị nhiễm trùng khuỷu tay phải sau tiêm Canxi không đúng chỉ định và kỹ thuật tiêm, được tiếp tục theo dõi, điều trị tại khoa Ngoại Tổng hợp – Gây mê hồi sức, Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa. Sau 03 ngày điều trị, hiện, sức khỏe người bệnh ổn định, vết loét khô, không còn sưng tấy.

Hình ảnh vết thương vùng khuỷu tay phải

Hình ảnh vết thương vùng khuỷu tay phải

BS. Phạm Lê Tùng - Khoa Ngoại Tổng hợp – Gây mê hồi sức, Trung tâm Y tế huyện Hạ Hoà cho biết: Trung tâm đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng do tiêm truyền tại nhà. Không chỉ tiêm canxi, mà các loại thuốc khác qua truyền dịch không đúng kỹ thuật và liều lượng hiện nay đang bị lạm dụng cũng gây hậu quả nghiêm trọng, có thể nguy hiểm tính mạng cho người bệnh.

Tiêm canxi bắt buộc phải tiêm tĩnh mạch chậm, không được tiêm bắp hay tiêm dưới da vì chỉ cần tiêm tĩnh mạch chệch hay tiêm bắp nông sẽ gây dị ứng vùng tiêm dẫn đến tróc vảy hay hoại tử da và chỉ tiêm khi có chỉ định của bác sĩ. Với mỗi loại thuốc sẽ có các đường dùng khác nhau. Đối với đường tiêm truyền phải được thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện cấp cứu.

Các bác sĩ thăm khám cho người bệnh

Các bác sĩ thăm khám cho người bệnh

Tiêm tĩnh mạch canxi dễ gây trụy mạch

Theo ThS.DS Lê Quốc Thịnh, Giảng viên khoa Dược, trưởng cao đẳng Y hà Nội, canxi tiêm tĩnh mạch được chỉ định trên các bệnh nhên bị co cứng cơ do hạ canxi huyết (bệnh tétanie) và các rối loạn thần kinh cơ liên quan; Hỗ trợ trong các trường hợp xuất tiết da (ví dụ : mề đay cấp, chàm cấp), ngộ độc kim loại chì, fluoride, chứng tăng kali huyết nặng; và chỉ tiêm cho các bệnh nhân thiếu canxi mãn tính, còi xương, nhuyễn xương và loãng xương khi việc sử dụng canxi dạng uống không đạt hiệu quả tốt...

Khi dùng liệu pháp canxi liều cao cần phải kiểm tra chặt chẽ canxi huyết và canxi niệu, nhất là ở trẻ em và bệnh nhân đang sử dụng vitamin D. Ngưng điều trị ngay khi canxi huyết vượt quá 2,625 mmol/l (105 đến 110 mg/l) và khi canxi niệu vượt quá 0,125 mmol/kg (5 mg/kg) trong 24 giờ.

Phải theo dõi điện tâm đồ khi truyền canxi đường tĩnh mạch để điều trị tăng kali huyết nặng. Tránh dùng lâu dài canxi đường tiêm cho trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi và bệnh nhân bị suy thận nặng, bởi trong dung dịch tiêm canxi (kể cả Calcium-Sandoz) có chứa một lượng nhỏ aluminium (tối đa 10 mg/l), vì vậy dùng lâu dài có thể gây tích tụ aluminium ở hệ xương, các rối loạn ở hệ thần kinh, máu và xương.

Khi tiêm, truyền canxi người bệnh thường có cảm giác nôn, mửa, bốc hỏa, vã mồ hôi, hạ huyết áp, loạn nhịp và trụy mạch, có thể xảy ra khi tiêm tĩnh mạch quá nhanh. Nhiều người do không hiểu biết, khi bị ho, loãng xương… đi tiêm canxi mà không biết thuốc tiêm canxi không được dùng để trị cảm hay ho hoặc loãng xương.

Khi tiêm tĩnh mạch, canxi đi vào đường máu sẽ làm dãn mạch và gây cảm giác nóng bừng. Người bị cảm cúm thường có cảm giác ớn lạnh, khi tiêm thuốc chứa canxi theo đường tĩnh mạch sẽ có cảm giác ấm người, vì vậy nhiều người nghĩ là... thuốc làm ấm người nên hết cảm, nhưng thực tế đó chỉ là cảm giác của người bệnh chứ chưa được khoa học chứng minh, trong khi tai biến thì luôn luôn chực chờ.

Nên lưu ý việc tiêm tĩnh mạch canxi là việc bất đắc dĩ, chỉ thật cần thiết mới dùng, nếu có thể thì dùng được uống thì tránh dùng đường tiêm, đặc biệt tiêm tĩnh mạch.

Tiêm canxi bắt buộc phải tiêm tĩnh mạch chậm, không được tiêm bắp hay tiêm dưới da vì chỉ cần tiêm tĩnh mạch chệch hay tiêm bắp nông sẽ gây dị ứng vùng tiêm dẫn đến tróc vẩy hay hoại tử da.

Tiêm tĩnh mạch canxi chậm tức là 10ml phải tiêm trong 3 phút. Khi tiêm phải theo dõi nhịp tim. Tuyệt đối tránh tiêm dưới da Calcium-Sandoz. Chống chỉ định tiêm canxi đối với những người: Quá mẫn cảm với chất thuốc, tăng canxi huyết và tăng canxi niệu nặng, suy thận nặng, galactose huyết. Tuyệt đối không chỉ định canxi dạng tiêm cho bệnh nhân đang được điều trị bằng digitale hoặc adrénaline.

Trường hợp hạ canxi huyết nặng ở người lớn hoặc trẻ em, dùng canxi bằng đường truyền tĩnh mạch, điều chỉnh liều theo canxi huyết và canxi niệu. Việc điều trị sau đó được chuyển sang dạng uống.

Việc dùng quá chỉ định có thể dẫn tới tình trạng tăng canxi huyết: chán ăn, nôn, mửa, táo bón, đau bụng, yếu cơ, đa niệu, khát, ngủ gật ; trường hợp nặng : hôn mê, loạn nhịp, ngừng tim...

Theo Đời sống
back to top